Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và luật pháp quốc tế

03/12/2012 05:25 GMT+7

Thương lượng bình đẳng và tuân thủ luật pháp quốc tế là cơ chế giải quyết ổn thỏa tranh chấp lãnh hải từ Thái Bình Dương đến Bắc Băng Dương.

Tình trạng ấm nóng toàn cầu gây tan băng ở Bắc cực đang khiến những mỏ tài nguyên ẩn mình dưới lòng Bắc Băng Dương dần lộ ra. Nơi này được cho là đang chứa đến 20% trữ lượng dầu thô toàn cầu, chưa kể nguồn cá dồi dào và các mỏ kim loại quý giá. Điều đó dẫn đến quan ngại về “một cuộc chạy đua vì Bắc cực”, khi mà tranh chấp lãnh hải có thể xảy ra giữa các quốc gia như Canada, Đan Mạch, Na Uy, Nga và Mỹ, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide chia sẻ trong chuyến thăm Singapore gần đây.

 Vùng chồng lấn trên biển giữa Nga và Na Uy được phân định bằng hiệp định song phương năm 2010
Vùng chồng lấn trên biển giữa Nga và Na Uy được phân định bằng hiệp định
song phương năm 2010 - Ảnh: UNEP

Tuy nhiên, ông Eide cho rằng “cuộc chạy đua” hoàn toàn có thể tránh được khi các quốc gia chọn cách giải quyết tranh chấp theo luật biển quốc tế, như Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Dẫn chứng sinh động cho lập luận này là thỏa thuận giữa Na Uy và Nga năm 2010, chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài 40 năm ở vùng biển Barents, hay phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về hòn đảo Pedra Branca giữa Singapore và Malaysia. Ông Eide cho rằng đó là những ví dụ về “cách thức dàn xếp tranh chấp lãnh hải tốt hơn so với cãi vã ầm ĩ và đưa tàu chiến ra biển”.

Biển Barents lặng sóng

Theo định nghĩa của UNCLOS về phân giới trên biển giữa các quốc gia, vùng biển của Nga và Na Uy có một khu vực chồng lấn rộng 175.000 km2, được cho là chứa khoảng 6,8 tỉ tấn dầu thô và khí thiên nhiên, nằm trọn trong biển Barents. Căng thẳng bắt đầu từ thập niên 1970 khiến việc thăm dò khai thác dầu khí lẫn đánh bắt thủy sản từ cả hai phía gặp nhiều trở ngại.

Năm 1978, hai bên ký thỏa thuận tạm kiểm soát việc đánh bắt hải sản trong một khu vực rộng 60.000 km2. Nhưng căng thẳng và va chạm vẫn thường xảy ra ở những khu vực nằm ngoài thỏa thuận tạm thời, còn hoạt động dầu khí hoàn toàn bị đình hoãn. Trong khi đó, đôi bên vẫn duy trì việc thương thuyết. Vào ngày 15.9.2010, tại thành phố Murmansk của Nga, ngoại trưởng hai nước đã ký Hiệp định Phân giới và hợp tác trên biển Barents trước sự chứng kiến của ông Dmitry Medvedev, khi đó còn là Tổng thống Nga, và Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg. Theo hiệp định, vùng tranh chấp 175.000 km2 được chia đôi gần như đều nhau cho mỗi bên. Còn những túi dầu khí nằm giữa đường phân giới thì sẽ được thăm dò và khai thác dưới sự đồng thuận của cả đôi bên.

Phát biểu ngay sau lễ ký dưới sự hoan hỉ của báo chí châu u, ông Medvedev nói: “Mục tiêu của hiệp định này là chỉ ra biên giới rõ ràng giữa chúng ta. Bằng không, sự nghi kỵ, đổ lỗi cho nhau cứ mãi tồn tại và có thể bị lợi dụng bởi một bên thứ ba”.

Singapore, Malaysia chia đảo

Khác với câu chuyện ở biển Barents, Singapore và Malaysia giải quyết ổn thỏa tranh chấp hòn đảo chiến lược Pedra Branca (phía Malaysia gọi là Pulau Batu Puteh) tại Tòa ICJ.

Năm 1824, Malaya (tên cũ của Malaysia) nhượng cho Anh một phần lãnh thổ làm thuộc địa mà sau này trở thành quốc gia Singapore. Người Anh xây dựng trên đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, rộng 2.000 m2, cột hải đăng Horsburgh và giao cho Singapore  quản lý từ năm 1851. Ngoài ra, dải đá Middle Rocks và dải South Ledge chỉ nhìn thấy khi mực triều thấp ở cạnh đó cũng thuộc về đảo này.

Sau khi chính thức giành độc lập, Singapore vẫn tiếp tục quản lý Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Bất ngờ năm 1979, Malaysia xuất bản 2 tấm bản đồ quốc gia chính thức bao gồm cả hòn đảo này với lập luận nó không nằm trong phần lãnh thổ được giao cho người Anh năm 1824. Singapore chính thức đưa ra thông cáo phản đối vào đầu năm 1980. Tranh chấp diễn ra ngấm ngầm như một ung nhọt trong quan hệ giữa 2 láng giềng. Năm 1989, Singapore đề nghị Malaysia đưa vụ tranh chấp lên ICJ và năm 1994 Malaysia đồng ý. Năm 2003, hai bên ký “Thỏa thuận đặc biệt” mở đường cho mỗi bên đưa các lập luận và chứng cứ của mình lên ICJ.

Ngày 23.5.2008, ICJ ra phán quyết đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh thuộc về Singapore, dải Middle Rocks thuộc về Malaysia. Riêng dải South Ledge lúc chìm lúc nổi, ICJ không ra phán quyết mà để hai bên tự thương lượng. Phán quyết của ICJ đã chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài 28 năm.

Đông Timor - Úc cùng khai thác

Trong khi ranh giới trên biển chưa được phân định rõ ràng, đảo quốc Đông Timor bé nhỏ và quốc gia láng giềng rộng lớn Úc vẫn bắt tay cùng khai thác dầu khí theo những thỏa thuận nhất định. Sau khi kết thúc 25 năm bị chiếm đóng bởi Indonesia vào năm 1999, Đông Timor đã buộc Úc ký lại thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí trong vùng biển Timor mà Úc và Indonesia đã ký năm 1989 với phân chia 50/50 lợi nhuận. Thỏa thuận mới ký năm 2002 (viết tắt JPDA) phân chia nguồn thu dầu khí đồng khai thác 90% cho Đông Timor và 10% cho Úc.

Hiện tại giữa hai quốc gia vẫn còn nhiều bất đồng về phân chia nguồn thu từ cụm mỏ Greater Sunrise nằm ngoài JPDA, vị trí đặt hệ thống ống dẫn khí thiên nhiên, cũng như ranh giới rõ ràng trên biển. Nhưng Savios Domingos, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đông Timor ở Singapore, nói với Thanh Niên: “Theo UNCLOS, toàn bộ vùng JPDA thuộc về Đông Timor vì nó quá cách xa Úc. Tuy nhiên, tỷ lệ phân chia nguồn thu 90:10 là chấp nhận được giữa lúc Đông Timor vẫn còn cần đầu tư vốn và kỹ thuật từ các nước tiên tiến hơn”. Điều tốt đẹp nhất hiện nay là không có sự áp đặt hay những hành động gây hấn vô lý từ Úc trước quyết tâm giải quyết rốt ráo vấn đề biên giới trên biển của đảo quốc chỉ có 1 triệu dân.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> COC “chưa được thông qua tại hội nghị ASEAN sắp tới”
>> ASEAN hướng mạnh tới COC
>> Lập trường chung về COC
>> ASEAN sẽ bàn tiếp COC vào tháng 11
>> Tàu Trung Quốc vào vùng tranh chấp
>> Tranh chấp Trung - Nhật không thể giải quyết?
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Không lùi bước trong tranh chấp biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.