Dệt may, da giày, thủy sản, gỗ... đều khó

Chí Nhân
Chí Nhân
26/04/2023 06:19 GMT+7

"Bây giờ nếu mất đơn hàng là sẽ mất luôn thị trường. Chúng ta cần phải cùng nhau chung tay cứu đơn hàng, giữ và phát triển thị trường mới để ổn định kinh tế và thu nhập cho người lao động", Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tại Hội nghị "Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu" do bộ này tổ chức ngày 25.4 tại TP.HCM.

Khó từ đơn hàng, thị trường đến tiếp cận vốn

Hội nghị tiếp nhận hơn 20 ý kiến từ nhiều hiệp hội ngành nghề, từ nông nghiệp đến dệt may, da giày, ô tô, nước giải khát, logistics… Tất cả đều có chung một vấn đề, đó là đơn hàng sụt giảm, chi phí cao, tiếp cận vốn khó. Trong bối cảnh đó, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài khiến nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến khó chồng khó.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), so sánh: Tình hình khó khăn trong hoạt động xuất khẩu đang ở mức tương đương với thời kỳ khó khăn nhất trong đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn cao điểm đại dịch và tồn kho tăng, để hỗ trợ các DN sản xuất, nhà nước đã giảm 10% tiền điện trong 3 tháng để DN trữ hàng trong kho lạnh. Chi phí này tuy không lớn nhưng có ý nghĩa động viên, chia sẻ khó khăn về mặt tinh thần rất nhiều. "Giờ cũng khó khăn tương tự nên cũng cần các giải pháp hỗ trợ từ nhà nước để DN có nguồn lực chuẩn bị thu mua nguyên liệu, để khi thị trường phục hồi thì ta có hàng để xuất ngay", ông Nam đề xuất.

Dệt may, da giày, thủy sản, gỗ... đều khó - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp và bộ ngành nỗ lực tìm cách giữ chân khách hàng và thị trường

ĐÀO NGỌC THẠCH

Khó khăn đã vượt dự báo cũng là chia sẻ của ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách VN (LEFASO). Đầu năm nay LEFASO đưa ra các kịch bản dự báo cho ngành da giày với mức xấu nhất là tăng trưởng sẽ giảm khoảng 10%. Nhưng ở thời điểm này theo ông Kiệt, kịch bản này chưa phải xấu nhất vì nhiều khả năng tăng trưởng của ngành giảm trên 10%. Kịch bản xấu trước đây giờ trở thành bình thường vì khó khăn ngày càng tăng. Đại diện Hiệp hội Logistics cho biết trong quý 1 vừa qua tăng trưởng của ngành giảm 15% nhưng hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Không chỉ những ngành gặp khó khăn mới kêu thiếu vốn mà cả những ngành đang hoạt động xuất khẩu hiệu quả như lúa gạo, rau quả cũng "kêu" không vay được tiền. Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước coi sản phẩm trồng trên đất là tài sản để được thế chấp, vay vốn. Ví dụ như nhiều loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, nhãn…; mỗi năm riêng tiền đầu tư phân bón, chăm sóc cũng hơn 50 triệu đồng/ha nhưng không được coi là tài sản để thế chấp đã làm khó cho DN trong nguồn vốn. 

Ngay cả xuất khẩu gạo, ngành được coi là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu, thì ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cũng thừa nhận dù đạt nhiều kết quả ấn tượng song hiệu quả mang lại cho DN, người dân chưa tương xứng. Do các DN chủ yếu là nhỏ và vừa nên nguồn tài chính hạn chế, khi tới mùa vụ thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo, rất khó tiếp cận vốn vay, đặc biệt là vốn vay ưu đãi. Do đó Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chính sách tín dụng cho xuất khẩu gạo.

Tích cực mở rộng thị trường

Đáng nói, trong bối cảnh ngành dệt may VN thiếu đơn hàng trầm trọng, ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, thông tin Bangladesh "làm không kịp nghỉ, quá tải đơn hàng". Nguyên nhân là do họ chuyển đổi ngành hàng theo các tiêu chuẩn xanh, bền vững, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại của các nước Âu - Mỹ. 

"Nếu VN không có chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi thì trong thời gian tới, dù kinh tế có phục hồi thì khả năng các đơn hàng cũng sẽ bị chuyển dần sang các nước khác. Nhà nước cần giảm thuế thu nhập DN 2% cho các DN đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh như trường hợp Bangladesh đang làm. Bên cạnh đó, cần phát triển nguyên liệu dệt may để tận dụng các ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Ngoài ra, với các thị trường có FTA, nhiều nơi chúng ta vẫn còn bỏ trống chưa khai thác như Úc, Canada…, cần có chiến lược tiếp cận những thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại", ông Tùng kiến nghị.

"Chúng tôi cũng tích cực làm việc với Ngân hàng Nhà nước để bàn các giải pháp khẩn trương đưa vốn vào sản xuất - xuất khẩu; khoanh, giãn nợ cho DN để cứu đơn hàng, giữ thị trường. Với các giải pháp liên quan đến chính sách, chúng tôi sẽ tập hợp để báo cáo Chính phủ và Quốc hội tìm cách tháo gỡ".

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Ông Diệp Thành Kiệt nhận định: Với bối cảnh hiện tại, các kế hoạch ứng phó, thích nghi phải tính đến cho năm 2024 vì mùa xuân hè sắp tới rơi vào quý 3/2023 là "không cứu kịp". Về dài hạn cần phải có kế hoạch về sản xuất nguyên liệu cho ngành, vì hiện tại chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Hiện nay có tình trạng nhiều địa phương không ủng hộ việc phát triển nguyên liệu ngành da giày vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một khó khăn đối với ngành này. Ông Nguyễn Hoài Nam lại nhấn mạnh: Càng khó khăn, DN càng phải đi nhiều để tìm hướng ra. Hiện nay đang là ngày thứ 2 của Hội chợ thủy sản châu Âu. Lần này, số DN trong ngành tham gia nhiều gấp đôi bình thường với kỳ vọng mở rộng thị trường. "Kiến nghị Bộ Công thương tăng cường hỗ trợ DN trong lĩnh vực này và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường còn nhiều tiềm năng", ông Nam nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Bối cảnh thế giới vẫn còn khó khăn, tổng cầu vẫn còn thấp. Với kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu của quý 1 vừa qua, nhiều khả năng kết thúc năm nay chúng ta sẽ không đạt mục tiêu kim ngạch thương mại khoảng 800 tỉ USD mà trở về với mức 600 tỉ USD của năm 2021. Chính vì vậy cần phải cùng nhau phối hợp tích cực đàm phán, mở cửa thị trường với các nước, đặc biệt Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.