Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần “chuyển nghề”

27/10/2009 09:36 GMT+7

(TNTT>) Với Em còn nhớ hay em đã quên, Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình…, đạo diễn chuyên làm phim về nông thôn Nguyễn Hữu Phần đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Nay bỗng thấy ông “chuyển nghề” sang làm đạo diễn cho game show Hà Nội 36 phố phường (phát sóng vào lúc 11g thứ bảy hằng tuần trên VTV3)...

Điều gì đã khiến ông làm một game show về Hà Nội? Có phải vì thể loại này khá thời thượng?

Tôi chơi với một nhóm bạn Việt kiều. Họ yêu Việt Nam, yêu Hà Nội vô cùng nhưng khi về thăm Hà Nội họ cảm thấy buồn vì không còn thấy những nét đẹp xưa. Nhưng sau khi tôi đưa họ đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người Hà Nội, họ nhận ra rằng: nơi đây vẫn chưa mất đi những nét đẹp. Tôi đã từng trải qua những cảm giác của người Hà Nội xưa, những buổi chiều buồn đi bên bờ hồ Tây, những chiều ở hồ Hoàn Kiếm uống nước dừa ngồi trên chiếc ghế vải còn sợ rắn chui từ bụi cây dại ra. Lúc đó Hà Nội vắng teo, đường ven hồ (phía Phú Gia) còn thưa thớt lắm. Bây giờ, Hà Nội đông đúc hơn, náo nhiệt hơn nên chúng ta không phải lúc nào cũng thấy Hà Nội đẹp. Vẻ đẹp của Hà Nội không còn lộ ra nữa, chúng ta phải đi tìm mới thấy. Đó cũng là một trong những mục đích tôi thực hiện game show này.

Thêm nữa là theo tôi, một game show dài hơi nói về Hà Nội sẽ hiệu quả nhiều hơn là một bộ phim truyền hình, vì một bộ phim chỉ ghi lại được những sự kiện và nhân vật ở một giai đoạn lịch sử mà thôi.

Công việc mới mang tới cho ông nhiều thú vị chứ?

Làm game show truyền hình thực tế quá vất vả, ê-kíp thực hiện lên đến 80 người. Nhưng bù lại có rất nhiều thú vị, nhiều yếu tố, tình huống bất ngờ xảy ra trong các cuộc thi trên đường phố… Chẳng hạn như có đội chơi khi đang tham gia phần thi Dã ngoại thì gặp một tai nạn giao thông thật. Lúc đó dù đang tham gia chơi và có thể về đích muộn, nhưng họ vẫn dừng lại giúp đỡ người bị nạn… Điều này đã giúp họ được điểm thưởng về phong cách của người Hà Nội. Cũng có lần điểm đích là một ngôi đình ở làng nghề Ngũ Xã.

Hôm đó đúng vào ngày mưa gió, nên khi các đội chơi đến đích thì tới trời đã tối. Nhưng thăm ngôi đình vào buổi tối lại có rất nhiều điểm mới mẻ, thú vị đối với cả người làm chương trình và người chơi.

Khi làm chương trình, tôi có dịp để tìm hiểu nhiều chuyện về đất và người Hà Nội mà trước đây tôi chưa biết, thí dụ như bức tranh sơn khắc rất lớn của cố họa sĩ Nguyễn Thế Khang vẽ về những sự kiện lịch sử của Hà Nội. Bức tranh  hiện vẫn còn phải gấp lại để trên gác xép ở ngôi nhà rất chật chội, cùng rất nhiều chuyện lạ, các nhân vật độc đáo khác. Nhiều người còn trêu tôi rằng “Ông Phần “nông thôn” sắp trở thành nhà Hà Nội học rồi”.

Hào hứng với game show vậy, ông đã thấy “chán” làm phim rồi sao?

Tôi sẽ vẫn làm phim, đó mới là chuyên môn chính của mình. Hiện nay, tỷ lệ phim giải trí quá cao, trong khi nhiều khán giả lại muốn phim truyền hình phản ánh được những vấn đề xã hội, cuộc sống xung quanh. Tôi cũng biết nhiều vấn đề rất đáng để xây dựng thành phim, không chỉ là chuyện nông thôn đâu, ngay thành phố cũng không hiếm… vì thế sau Ma làng, mọi người hỏi tôi sẽ làm gì nữa? Tôi nói có thể sẽ là Ma phố, Ma chung cư, Ma công chức…

Tôi đã hứa làm Ma làng 2 và chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện vào năm sau, nhưng sẽ không lấy tên cũ nữa. Phần 2 sẽ không ăn theo phần 1 mà khác hẳn. Nhân vật là cũ nhưng cuộc sống là của mười năm sau. Mười năm trước khi còn đang bao cấp họ là người thế này, 10 năm sau khi đổi mới họ thay đổi là người thế kia. Cô Ló trước đây là người nghèo nhất làng. Nhưng 10 năm sau, cô bán đất làm sân golf lại thành người giàu có nhất làng thì sao. Có thể lắm chứ!

Sống ở Hà Nội nhưng ông lại hiểu cặn kẽ và yêu đề tài nông thôn?

Tôi cũng có quê chứ. Khi về thăm quê, tôi thường nghe thấy bọn trẻ nói rằng quê mình sắp có sân golf, khu công nghiệp, quê mình sắp giàu rồi. Tôi nhìn thấy những con đường làng, lũy tre, nhà cổ đang dần mất đi, thay vào đó là những quán karaoke, massage… Chúng ta chuẩn bị cho cuộc đô thị hóa nông thôn rất vội vã, thiếu sự chuẩn bị, đặc biệt là việc dạy nghề, xây dựng lối làm việc công nghiệp… nên khi các nhà máy mọc lên, người nông dân mất ruộng canh tác nhưng lại không thể trở thành công nhân. Khi làm đề tài nông thôn và những vấn đề bức xúc, tôi được khán giả yêu quý và cảm thấy mình đóng góp được một phần cho xã hội.

Ở cái tuổi không còn trẻ trung nữa nhưng ông vẫn mải mê với những kế hoạch mới. Ông có thấy mình tham việc quá không?

Tôi là người thích xê dịch. Sau khi dạy học 3 năm tôi lại bỏ nghề sang làm ở xưởng phim. Có thể nói nghề đạo diễn phù hợp với tính cách và là nghề tôi yêu thích nhất. Hơn 30 năm trong nghề đã khiến tôi thành con người không thể ngồi yên được. Ba tháng ngồi nhà tôi sẽ ốm mất!

Xin cảm ơn ông!

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.