Chuyển đổi nghề nuôi biển truyền thống sang công nghiệp là tất yếu

Thanh Quân
Thanh Quân
14/02/2023 13:24 GMT+7

Tại hội thảo về nghề nuôi biển diễn ra ở Bình Định, nhiều chuyên gia cho rằng chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang công nghiệp là tất yếu.

Sáng 14.2, tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), Báo Tuổi Trẻ, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo Nghề nuôi biển: chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp.

Tham dự hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT và khoảng 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển Nam Trung bộ, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Chuyển đổi nghề nuôi biển truyền thống sang công nghiệp là tất yếu - Ảnh 1.

Các đại biểu thảo luận về các giải pháp phát triển nghề nuôi biển

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh này có lợi thế lớn phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, do đặc điểm tự nhiên là vùng biển hở, bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão, trong khi nuôi biển hở cần đầu tư vốn lớn và công nghệ nuôi hiện đại nên nuôi biển tại Bình Định chưa được các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư phát triển.

Tỉnh Bình Định mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển nghề nuôi biển tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng. Đồng thời, tỉnh Bình Định cũng sẽ thực hiện quy hoạch vùng nuôi, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi nghề từ khai thác sang nuôi trồng theo hướng bền vững.

Chuyển đổi nghề nuôi biển truyền thống sang công nghiệp là tất yếu - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại hội thảo

THANH QUÂN

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết nước ta có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi biển. Cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển, phần lớn hoạt động nuôi biển ở quy mô gia đình manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ lạc hậu và không bền vững. Hiện trong nước chưa có cơ sở nuôi biển xa bờ.

Để phát triển nghề nuôi biển bền vững, việc cấp thiết phải chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang công nghiệp là tất yếu. Định hướng di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ. Đồng thời sẽ phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ với công nghệ tuần hoàn trong thu gom và xử lý chất thải môi trường.

Nghề nuôi tôm hùm mang lại thu nhập cao cho người dân tỉnh Phú Yên

Nghề nuôi tôm hùm tại tỉnh Phú Yên

BẢO THOA

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, phát triển nghề nuôi biển công nghiệp thì doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ thể để thúc đẩy sự phát triển, tạo chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động nuôi biển đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu quy hoạch, thiếu thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Việt Nam chưa ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển, thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.