Chủ tịch Hạ viện Mỹ đối diện nguy cơ mất chức vì thỏa thuận trần nợ công

05/06/2023 12:35 GMT+7

Một hạ nghị sĩ bảo thủ nổi tiếng cảnh báo rằng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy có "vấn đề về uy tín" và có thể thúc đẩy một số thành viên đảng Cộng hòa tìm cách lật đổ ông.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ đối mặt nguy cơ mất chức vì thỏa thuận trần nợ công - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy

REUTERS

Nhà lập pháp Ken Buck, thành viên của House Freedom Caucus - một nhóm nghị sĩ theo đường lối cực hữu trong Hạ viện Mỹ, cho rằng thỏa thuận trần nợ công đã không đem lại những khoản cắt giảm chi tiêu sâu hơn mà ông McCarthy đã hứa với đảng Cộng hòa khi tranh chức Chủ tịch Hạ viện hồi tháng 1.

Theo thỏa thuận, chi tiêu liên bang của Mỹ trong tài khóa 2024 sẽ không thay đổi so với mức năm nay, và tăng 1% trong tài khóa 2025, trong khi giới hạn nợ công tạm thời được gỡ bỏ đến ngày 1.1.2025. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng thỏa thuận này sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách khoảng 1,5 nghìn tỉ USD trong vòng một thập niên so với mức dự báo cơ sở theo luật hiện hành.

Hạ viện Mỹ, do đảng Cộng hòa kiểm soát, vào cuối tháng 4 đã thông qua dự luật yêu cầu giảm thâm hụt 4,8 nghìn tỉ USD trong 10 năm để đổi lấy việc tăng trần nợ, đẩy chính quyền Tổng thống Biden vào các cuộc đàm phán căng thẳng với phía ông McCarthy. Thỏa thuận mà hai người nhất trí đã được lưỡng viện thông qua và ông Biden đã ký ban hành hôm 3.6.

Viện trợ quân sự cho Ukraine có bị ảnh hưởng sau thỏa thuận trần nợ công của Mỹ?

Trong chương trình "State of the Union" của CNN ngày 4.6, khi được hỏi liệu House Freedom Caucus có tìm kiếm một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm ông McCarthy vì thỏa thuận nói trên hay không, ông Buck trả lời: "Tôi không biết liệu việc biểu quyết bãi nhiệm có diễn ra ngay lập tức hay không. Nhưng tôi thực sự biết rằng Chủ tịch Hạ viện McCarthy có vấn đề về uy tín".

Để giành được vị trí Chủ tịch Hạ viện trong một quy trình bầu chọn căng thẳng hồi tháng 1, ông McCarthy đã đồng ý với những thay đổi quy định theo hướng bất lợi cho ông, bao gồm quy định rằng một cuộc biểu quyết bãi nhiệm ông có thể diễn ra chỉ cần đề xuất từ một nhà lập pháp.

Các thành viên khác của đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã lên tiếng bảo vệ ông McCarthy sau khi Tổng thống Biden ký ban hành luật gỡ bỏ trần nợ công, ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của chính phủ Mỹ mà theo dự báo có thể xảy ra sớm nhất vào ngày 5.6.

"Vị trí của Chủ tịch Hạ viện McCarthy là tuyệt đối an toàn", hạ nghị sĩ Garret Graves, nhà lập pháp đảng Cộng hòa đến từ bang Louisiana, người đã tham gia đàm phán thỏa thuận trần nợ công, nói trong chương trình "Face the Nation" của CBS ngày 4.6.

Bản thân ông McCarthy nói trong chương trình "Sunday Morning Futures" của Fox News ngày 4.6 rằng thỏa thuận này không hoàn hảo nhưng là "khởi đầu của việc đảo ngược con tàu” về chi tiêu. "Bây giờ chúng ta phải làm phần còn lại của công việc", ông cho biết.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ đối mặt nguy cơ mất chức vì thỏa thuận trần nợ công - Ảnh 2.

Hạ nghị sĩ Mỹ Ken Buck

GETTY

Theo nghị sĩ Buck, ông McCarthy đã hứa với các đảng viên Cộng hòa rằng ông sẽ cắt giảm chi tiêu xuống ngang mức tài khóa 2022, chứ không phải xuống mức tài khóa 2023 (cao hơn 2022) như trong thỏa thuận, khiến thỏa thuận này trở thành thất bại của đảng.

Ông Buck cho rằng, để lấy lại lòng tin của những nghị sĩ bảo thủ, các hành động trong tương lai của McCarthy sẽ cần "liên quan đến việc chi tiêu có trách nhiệm" và ngừng dựa vào lá phiếu của các đảng viên Dân chủ như ông đã làm để thông qua thỏa thuận gỡ bỏ trần nợ công.

Thỏa thuận đã được thông qua tại Hạ viện Mỹ với phiếu thuận của 149 nghị sĩ Cộng hòa và 165 nghị sĩ Dân chủ. Khoảng một nửa trong số 76 đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu chống đến từ nhóm House Freedom Caucus cực kỳ bảo thủ, trong khi 46 đảng viên Dân chủ, chủ yếu là những người cấp tiến, phản đối thỏa thuận này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.