Căng mình lo... điện

Nguyên Nga
Nguyên Nga
20/05/2023 05:04 GMT+7

Điện không còn chỉ thiếu ở miền Bắc nữa, nguy cơ thiếu điện hiển hiện trên cả ba miền trong mấy ngày nắng nóng sắp tới. Không chỉ ngành điện căng mình lo nguồn cung; người dân và doanh nghiệp cũng nơm nớp lo cúp điện.

Tạm hoãn "cắt điện chủ động"

Nắng nóng, hồ thủy điện cạn nước, than nhập khẩu không đủ kịp để tăng sản lượng điện, ngành điện đang trải qua những ngày áp lực đối diện nguy cơ thiếu điện trên diện rộng. Tại TP.HCM, liên tục trong nhiều ngày qua, Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã phải tiến hành cúp điện tại một số khu vực quận huyện. Thời gian cúp trong ngày khoảng 7 tiếng đồng hồ với lý do "ngăn ngừa sự cố lưới điện", "bảo trì lưới điện" mà theo đơn vị này là phải "tiết giảm chủ động" để bảo đảm an toàn. Trước đó, theo tin nhắn thông báo từ EVNHCMC đến điện thoại của người dân, ngày 19 và 22.5… một số nơi ở quận 7, Phú Nhuận, Bình Tân… sẽ tiếp tục cúp điện để bảo trì. Tuy nhiên, đến sáng 19.5, điện lực TP.HCM đã hoãn việc cắt điện này. Các tin nhắn báo hoãn cúp điện cũng được gửi đến khách hàng.

Căng mình lo... điện - Ảnh 1.

Chưa bao giờ điện trở nên “nóng” ngay những ngày đầu mùa nắng nóng như hiện nay

NGUYÊN NGA

Chiều 19.5, trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM, khẳng định cho đến khuya 18.5, sau vài ngày khắc phục các điểm có nguy cơ sự cố, từ hôm qua (19.5) việc sửa chữa khắc phục lưới điện cơ bản đã hoàn tất nên sẽ không còn việc cúp điện diễn ra tại một số nơi trên địa bàn TP. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, điện lực TP từ nay đến cuối tháng sẽ bảo đảm cung cấp điện ổn định. 

"Tuy nguồn cung khó khăn, nhưng TP được cấp đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Điện lực TP kêu gọi thực hiện tiết kiệm điện trong tất cả mọi đối tượng dùng điện, từ cá nhân, gia đình, sử dụng điện chiếu sáng công cộng, bảng quảng cáo…", ông Kiên nhấn mạnh. Trước đó, đại diện ngành điện TP.HCM cũng cho biết các công ty điện lực đang nỗ lực cao nhất để cung cấp điện cho khách hàng, tăng cường 100% nhân lực, thiết bị và ứng trực 24/24. Tuy nhiên, trong một số thời điểm có thể không tránh khỏi gián đoạn cung cấp điện.

Tuy nguồn cung khó khăn, nhưng TP được cấp đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Điện lực TP kêu gọi thực hiện tiết kiệm điện trong tất cả mọi đối tượng dùng điện.


Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM

Ngày 19.5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 185 về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023 vừa diễn ra tối 18.5. Thông báo nêu rõ lưu lượng nước về hồ thủy điện thấp, than nhập khẩu từ Indonesia về chậm, ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023, nhất là trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 25.5. Thủ tướng yêu cầu chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn: Điện lực VN (EVN), Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), Dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty Đông Bắc theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp cần thiết để bảo đảm cung ứng đủ điện. Đặc biệt, với các nhà máy nhiệt điện than, Thủ tướng yêu cầu các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu triển khai các giải pháp phù hợp, kể cả giải pháp vay, mượn, mua, ứng trước... than chưa dùng đến của các nhà máy điện khác để phát điện; EVN khẩn trương hoàn tất đàm phán với chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đủ điều kiện theo quy định để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia; tăng cường công tác tiết kiệm điện; Bộ Công thương trình Thủ tướng chỉ thị về tiết kiệm điện và phát động phong trào tiết kiệm điện trước ngày 25.5…

Loạt giải pháp cấp bách

Trước khi có chỉ đạo nóng của Thủ tướng, EVN cũng đã ban hành nhiều văn bản quán triệt đến các tổng công ty, phát động phong trào tiết kiệm điện tối đa. Một số văn phòng điện lực tại các địa phương khu vực miền Trung đã chủ trương tắt máy lạnh, chỉ dùng quạt ngay trong những ngày nắng nóng 39 - 40 độ C. Ngày 19.5, Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC - quản lý 21 công ty điện lực của 21 tỉnh thành phía nam) cho hay EVNSPC chỉ đạo các đơn vị thực hiện giải pháp đảm bảo cung cấp điện theo phương án cấp điện năm 2023 đã lập và được UBND, sở công thương 21 tỉnh, TP phía nam phê duyệt, đồng thời kết hợp các công tác trên lưới có kế hoạch như xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, thí nghiệm định kỳ đường dây, trạm biến áp, đề xuất thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện. 

"Đến nay, EVNSPC cũng đã có văn bản gửi UBND 21 tỉnh, TP khu vực phía nam quan tâm chỉ đạo công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn. Ban chỉ đạo tiết kiệm điện và đảm bảo cung ứng điện năm 2023 của Tổng công ty điện lực miền Nam vừa chỉ đạo các công ty điện lực thành viên khẩn trương triển khai đồng loạt, quyết liệt, hiệu quả điều hành cung cấp điện khẩn cấp để đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023. Trong đó, kịp thời bố trí nhân lực, vật lực sẵn sàng trong mọi tình huống, đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn, ổn định trong thời điểm mùa nắng nóng; Đặt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu, cao nhất, quan trọng nhất", đại diện EVNSPC cho biết.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, sẽ thống nhất mức giá tạm thời để vận hành, tiếp tục đàm phán cho đến khi hai bên thỏa thuận được mức giá điện chính thức nhằm kịp thời khai thác cung cấp cho hệ thống điện.

Đại diện EVN

Bên cạnh đó, để đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong năm 2023, EVN cho biết đã và đang huy động tối đa các loại hình nguồn điện để cố gắng giữ mực nước đến cuối tháng 5 này, nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện. Đã gửi công văn và tiếp tục làm việc với các đơn vị cung cấp nhiên liệu và đơn vị phát điện như TKV, PVN, Tổng công ty Đông Bắc; PVGas, PVPower để có phương án cung cấp đủ nhiên liệu cho phát điện. Từ tháng 5 - 7, bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, trong đó không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện khu vực phía bắc trong giai đoạn này.

Song song đó, tăng tốc triển khai nhóm giải pháp bổ sung nguồn điện nhập khẩu. Cụ thể, đàm phán với Công ty quốc tế Vân Nam - Trung Quốc để tăng sản lượng, công suất mua trên các đường dây 220 kV hiện hữu. Đề nghị mua thêm qua các đường đây 110 kV nếu có thể. Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và có thể nhập khẩu điện thêm từ nước này trong tháng 5. Đặc biệt, với các nhà máy nhiệt điện, EVN cho biết sẽ đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 theo hướng đã thống nhất phương án giá tạm và phương án huy động để đảm bảo an ninh cung cấp điện trong tháng 5. Ngoài ra, đàm phán với chủ đầu tư Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bố trí chương trình thử nghiệm theo hướng tăng thêm công suất và sản lượng thử nghiệm trong tháng 5 - 7 để tăng thêm nguồn cung ứng cho hệ thống.

EVN cũng đưa ra một số giải pháp về tăng cường năng lực truyền tải cho nguồn điện tái tạo khu vực miền Trung và Tây nguyên. Cụ thể, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện truyền tải bằng cách tăng cường năng lực truyền tải Bắc - Trung, các công trình đấu nối và giải tỏa nguồn thủy điện Tây Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây nguyên; hoàn thiện lắp đặt tụ bù trên lưới điện để đảm bảo điện áp, đặc biệt tại miền Bắc và tăng thêm khả năng truyền tải, khả năng nhập khẩu từ Trung Quốc. "Về điều chỉnh phụ tải, sẽ giảm 50% sản lượng điện bán cho Campuchia trong 3 tháng từ tháng 5 - 7", đại diện EVN nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.