Các quan ngại của Bộ Y tế về TLĐT, TLLN: Từ việc thiếu hành lang pháp lý?

02/05/2024 10:00 GMT+7

Thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) không còn là sản phẩm mới trên thị trường Việt Nam, vì thực tế đã hiện diện hơn 10 năm qua. Việc vắng hành lang pháp lý trong một thập kỷ đã dẫn đến tình trạng sử dụng các sản phẩm nhập lậu này ngày càng leo thang.

Hiện, Bộ Y tế (BYT) vẫn giữ quan điểm cần cấm đối với mặt hàng này do lo ngại tình trạng sử dụng TLĐT gia tăng, kéo theo các hệ lụy xã hội, từ buôn bán, sử dụng TLĐT trong học đường đến ngộ độc ma túy,…

Trong khi đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án quản lý mặt hàng này để ngăn chặn tình trạng hàng gian, hàng giả, từ đó giải quyết những quan ngại trên. Bởi trên thực tế, theo các chuyên gia, các quan ngại từ BYT đều đến từ tình trạng hàng nhập lậu, kém chất lượng, trá hình hiện đang phổ biến, và tội phạm buôn lậu không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào để làm tăng lợi nhuận kinh doanh, bất chấp luật pháp. Mặt khác, việc cấm các mặt hàng này cũng gây ra thiệt hại kép tại các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia, Brunei…

Gia tăng sử dụng TLĐT trong giới trẻ, song song với thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng từ lệnh cấm

Tại một quốc gia thực thi pháp luật nghiêm ngặt như Singapore, sau 6 năm áp dụng lệnh cấm TLĐT, TLLN, tỷ lệ sử dụng TLĐT vẫn ngày càng tăng, mặc dù mức phạt cũng tăng theo từng vụ vi phạm. Từ năm 2018 - 2022, có 860 người bị bắt vì tội buôn lậu TLĐT, 145 người bị truy tố. Trong khi đó, năm 2022 số người bị bắt vì sử dụng TLĐT cũng tăng gấp 4 lần sau 2 năm, từ 1.266 người lên đến 4.961 người/ năm.

Tại Thái Lan, Hiệp hội Thương mại Thuốc lá (TTTA) cho biết, TLĐT nhập lậu vẫn được bán rộng rãi trên mạng xã hội Twitter, Facebook... Lệnh cấm TLĐT cũng không giúp giảm tỷ lệ sử dụng sản phẩm ở giới trẻ. Theo khảo sát của Trung tâm Quản lý Kiến thức và Nghiên cứu Kiểm soát Thuốc lá, 1/3 số sinh viên đại học Thái Lan muốn dùng TLĐT.

Theo tổng kết của Cục Hải quan Thái Lan, từ tháng 10.2023 đến tháng 1.2024, gần 70.000 sản phẩm, tinh dầu và phụ kiện TLĐT (hầu hết từ Trung Quốc) đã bị tịch thu, với tổng trị giá tương đương 11 tỉ đồng. Tất nhiên đây chỉ là con số hàng lậu bị bắt giữ, chưa tính phần lớn số còn lại đã lọt lướt. Bằng chứng là theo công bố của Hải quan Trung Quốc, trong năm 2023 nước này xuất khẩu sang Thái Lan tổng số thiết bị và tinh dầu TLĐT trị giá trên 45 triệu USD (khoảng 1.100 tỉ đồng), bất chấp lệnh cấm nhập khẩu.

Cảnh sát Thái Lan bắt giữ một streamer đang livestream bán TLĐT lậu

Cảnh sát Thái Lan bắt giữ một streamer đang livestream bán TLĐT lậu

Ảnh: bangkokpost.com

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Lào, Campuchia…

Thực tiễn cho thấy, việc cấm TLLN, TLĐT chỉ khiến tỷ lệ buôn lậu tăng cao, tỷ lệ thuận với số người mua bán, sử dụng. Như vậy, lệnh cấm không thể triệt tiêu nhu cầu sử dụng, mà chỉ "làm khó" việc tìm kiếm nguồn hàng chính ngạch, và việc thẩm định chất lượng của sản phẩm là bất khả thi.

Do đó, các chuyên gia quản lý cho rằng, nếu thực tế không thể làm thuốc lá mới biến mất khỏi thị trường, thì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà cơ quan chức năng đưa ra có thể chỉ tồn tại trên lý thuyết.

Quản lý có phải là giải pháp xóa tan lo ngại của BYT?

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đến năm 2030 (Quyết định 568/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, cần đề xuất giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để kiểm soát TLĐT, TLLN, chứ không đặt vấn đề ngăn cấm.

Dựa vào chỉ đạo trên, ông Kiên khẳng định, cần tôn trọng quy luật cung - cầu của thị trường để từ đó đưa ra những chính sách toàn diện nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, tránh thất thu ngân sách Nhà nước, ổn định về giá cả… Như vậy mới đảm bảo được sức khỏe người dân, nhất là thế hệ trẻ trước vấn nạn TLĐT, TLLN nhập lậu.

Liên quan đến giới trẻ, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, Luật PCTHTL 2012 đã đưa ra quy định rõ ràng về đối tượng bị nghiêm cấm sử dụng thuốc lá. Vì vậy, dù thuốc lá mới hay thuốc lá truyền thống cũng đều bị cấm sử dụng đối với trẻ vị thành niên. Ông nhấn mạnh, kẽ hở pháp lý với TLĐT, TLLN trong những năm qua đến từ sự "chần chừ" của các Bộ tham mưu cho Chính phủ.

Các quan ngại của Bộ Y tế về TLĐT, TLLN: Từ việc thiếu hành lang pháp lý?- Ảnh 2.

"Do chưa được quản lý nên TLĐT, TLLN không bị đánh thuế, gây ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước. Việc đưa chúng vào danh mục sản phẩm đánh thuế vừa có thể kiểm soát tình trạng buôn lậu tràn lan hiện nay, vừa hạn chế được giới trẻ", ông Hải nói.

Có thể thấy, việc quản lý TLĐT, TLLN bằng biện pháp kinh doanh có điều kiện là không khó để tìm hình mẫu trên toàn cầu, vì Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên đưa ra khuôn khổ pháp lý cho các sản phẩm này. Do đó, để giải quyết các vấn đề mà BYT quan ngại, các chuyên gia kiến nghị cần xây dựng chiến lược lâu dài và thực tiễn, bởi cấm không phải là giải pháp triệt để vì chỉ gián tiếp thúc đẩy thị trường chợ đen phát triển.

Chưa kể cơ sở pháp lý để cấm thuốc lá mới, đặc biệt là loại đã phù hợp với định nghĩa của luật, đang vấp phải nhiều quan điểm bất đồng. Luật Đầu tư quy định thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, Luật PCTHTL lấy "nguyên liệu thuốc lá" làm cơ sở định danh sản phẩm thuốc lá để quản lý. Theo đó, TLLN được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá nên được hầu hết các Bộ ngành khẳng định là thuốc lá.

Về mặt quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến nghị quản lý TLLN theo luật quốc gia. Đến nay 184/195 quốc gia thành viên WHO đã có quy định quản lý TLLN theo luật hiện hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.