“Pháo đài” bên vịnh Persia

28/11/2012 03:10 GMT+7

Trong tiếng Ả Rập, Kuwait có nghĩa là "Pháo đài được xây dựng gần nước". Ngày nay, đất nước Kuwait không có pháo đài mà đã trở thành một đô thị trẻ, hiện đại bên bờ vịnh Persia với nhiều điều thú vị.

Trong tiếng Ả Rập, Kuwait có nghĩa là "Pháo đài được xây dựng gần nước". Ngày nay, đất nước Kuwait không có pháo đài mà đã trở thành một đô thị trẻ, hiện đại bên bờ vịnh Persia với nhiều điều thú vị. 

Theo Wikipedia, đất nước Kuwait có diện tích chưa tới 18.000 km2, là một trong những nước nhỏ nhất thế giới nhưng có trữ lượng dầu xếp hàng thứ 5 và giàu thứ 6 toàn cầu. Dù ở gần biển nhưng trong không khí lại không có hơi nước nên cái nóng của vùng đông bắc của bán đảo Ả Rập này càng trở nên khô hóc. Với 85% dân số Kuwait theo đạo Hồi nên tôn giáo này đương nhiên trở thành quốc giáo. Vì vậy, nơi mà chúng tôi muốn viếng thăm nhất khi đến đây chính là các nhà thờ Hồi giáo.  

 “Pháo đài” bên vịnh Persia
Nhà thờ Al-Masjid Al-Kabeer là điểm tham quan hấp dẫn - Ảnh: Chí Nhân

Người Hồi giáo ở Kuwait

Thành phố Kuwait có tuổi đời khá trẻ vì nó mới bắt đầu công cuộc tái thiết từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi Iraq rút khỏi đây. Cây xanh được trồng khá nhiều để làm dịu bớt cái nắng chói chang mà lúc bình thường cũng lên tới 350C.

Trên đường phố, chúng tôi thấy nhiều người ăn mặc đúng theo truyền thống. Phụ nữ mặc áo choàng đen có mạng che mặt, còn đàn ông mặc áo choàng trắng, đầu đội khăn. Nhưng cũng không ít người ăn mặc khá thoải mái theo phong cách Tây phương - nhiều cô gái trẻ mặc quần jeans, áo thun, đồ đầm… Biết chúng tôi thắc mắc, chị Eman - một nhân viên của Bộ Ngoại giao - giải thích: Ngày nay các quy định của tôn giáo, xã hội không còn khắt khe như xưa. Bạn có thể giữ những quy định đó tới đâu là tùy thuộc vào khả năng, nhận thức, sở thích và hoàn cảnh của mỗi người. Ngay đối với việc cầu nguyện cũng vậy, 4 lần ngày hay 1 lần/ngày và thậm chí là 1 lần/tuần cũng được.

 “Pháo đài” bên vịnh Persia 1
Sách tiếng Việt ở nhà thờ Grand Mosque

Một đặc điểm thú vị là ở Kuwait không có tệ nạn xã hội như: trộm cắp, cướp giật. Vì theo luật của đạo Hồi, tội này bị xử rất nặng - chặt tay, nên dần dần nó hình thành nên một nếp sống. Dù sống theo kiểu truyền thống hay hiện đại thì chị Eman và một số người Kuwait khác mà chúng tôi gặp đều có điểm chung là nhiệt tình, cởi mở và tốt bụng.  

Sách tiếng Việt trong nhà thờ Hồi giáo

Hơn cả mong đợi, chị Eman đưa chúng tôi đi thăm nhà thờ lớn nhất (Grand Mosque) ở trung tâm thành phố Kuwait và cũng là thủ đô của Kuwait.

Nhà thờ được xây dựng trên diện tích 20.000 m2, có thể cho phép trên 10.000 người vào cầu nguyện cùng lúc. Grand Mosque được khởi công xây dựng năm 1979 và hoàn thành năm 1986 với kinh phí gần 50 triệu USD, nằm trong top 10 nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới.

Trước khi được vào bên trong thánh đường, chúng tôi được đưa vào một phòng khách. Ở đây lúc nào cũng có sẵn bánh ngọt, nước, sữa để phục vụ du khách miễn phí. Phụ nữ được nhà thờ cho mượn trang phục truyền thống mặc để vào bên trong thánh đường. Ngoài ra, ở đây có rất nhiều tranh, ảnh, sách giới thiệu về nhà thờ và đạo Hồi bằng nhiều thứ tiếng. Trong số đó, tôi bất ngờ phát hiện một cuốn sách bằng tiếng Việt, gần 200 trang với tựa đề Tìm hiểu về Hồi giáo. Sách của tác giả Abul Ala Maududi, người Pakistan, được Hosen Mohamad dịch sang tiếng Việt. Trong lời mở đầu dịch giả viết: “…với mục đích phổ biến và xây dựng đạo giáo mà quyển sách này được dịch sang tiếng Việt Nam”, được xuất bản từ năm 1987. Nhà thờ là một sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống và hiện đại. Khu thánh đường là một toà nhà vuông vắn, phía trên là một mái vòm nhô cao, bên cạnh là một gác chuông. Bên trong thánh đường có vài người đang cầu nguyện. Những kiến trúc gỗ kết hợp với gạch và hoa văn đặc trưng của người Ả Rập làm nổi bật nét văn hóa bản địa. Sàn nhà được trải thảm, trên đó có in nhiều hoa văn, nhưng điều dễ nhận thấy nhất là nó được chia thành nhiều ô nhỏ ngay hàng thẳng lối. Mỗi ô chính là vị trí cầu nguyện của mỗi tín đồ. Người hướng dẫn viên nhà thờ nói rằng, người Hồi giáo khi vào nhà thờ cầu nguyện rất trật tự và nề nếp.

Không chỉ cho phép chúng tôi quay phim, chụp ảnh, hướng dẫn viên nhà thờ còn bất ngờ mời chúng tôi ngồi vào chiếc ghế (duy nhất) của người điều hành nghi lễ trong thánh đường để chụp ảnh lưu niệm. Đó thật sự là một trải nghiệm thú vị!

Chí Nhân

>> Du lịch Vũng Tàu khó hút khách cao cấp
>> Có cần tiếp tục kêu gọi liên kết du lịch?
>> Nhân ngày du lịch Bình Thuận
>> 7 điểm du lịch tiêu biểu tại ĐBSCL 2012
>> Kỷ niệm 17 năm ngày du lịch Bình Thuận
>> Du lịch nghiệp dư
>> Du lịch Bình Phước như “cô gái đang xuân”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.