Lo ngại cúm H7N9 lây lan rộng

06/04/2013 20:25 GMT+7

(TNO) Ngày 6.4 Bộ Y tế đã có khuyến cáo mới nhất về phòng chống cúm AH7N9 tại cộng đồng. Về phác đồ điều trị phòng chống cúm H7N9, Hội đồng chuyên môn sẽ họp và thông qua vào thứ ba tuần tới.

* 5 khuyến cáo mới nhất về phòng chống cúm H7N9

(TNO) Ngày 6.4, Bộ Y tế đã có khuyến cáo mới nhất về phòng chống cúm AH7N9 tại cộng đồng. Về phác đồ điều trị phòng chống cúm H7N9, Hội đồng chuyên môn sẽ họp và thông qua vào thứ ba tuần tới.

>> Đặt máy đo thân nhiệt kiểm soát cúm A/H7N9 ở sân bay Tân Sơn Nhất
>> Trung Quốc phát hiện H7N9 có trong gà, chim cút
>> Tăng cường ngăn ngừa dịch H7N9 tại cửa khẩu
>> Vi rút cúm H7N9 có độc lực mạnh
>> Ngăn chặn cúm H7N9 lây lan sang Việt Nam

Trong ngày 6.4, hai đoàn kiểm tra về phòng chống dịch của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã khẩn trương đi Lào Cai và Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cửa khẩu của hai địa phương này, kịp thời hỗ trợ chuyên môn trong tình huống cần thiết.

Ông Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trong tuần tới tiếp tục có các đoàn đi kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn cho kiểm dịch y tế phục vụ phòng chống dịch cúm H7N9 tại tất cả các tỉnh có cửa khẩu hàng không, đường thủy, đường bộ; như: TP.HCM, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Tây Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng…

 Lo ngại cúm H7N9 lây lan rộng
Cục Y tế dự phòng cho biết, trong tuần tới sẽ tiếp tục có các đoàn đi kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn cho kiểm dịch y tế phục vụ phòng chống dịch cúm H7N9 tại các tỉnh có cửa khẩu

Trước nguy cơ xâm nhập của cúm H7N9 và mức độ nguy hiểm của vi rút cúm AH7N9, chiều 6.4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận, điều trị ca nhiễm cúm AH7N9 tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội).

Ông Thanh Long lo ngại vi rút cúm AH7N9 gây tử vong cao, gây nhiễm ở mọi lứa tuổi. Nước ta lại có đường biên giới dài khiến nguy cơ vi rút này xâm nhập là rất lớn. Cũng không loại trừ ca bệnh nhiễm vi rút cúm H7N9 xuất hiện ngay trong nội địa do sự lây nhiễm vi rút từ gia cầm nhập lậu.

Bệnh nhân nhiễm vi rút cúm AH7N9 có diễn biến thành bệnh nặng nhanh chóng. Theo ghi nhận tại Trung Quốc, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mới 4 tuổi và lớn tuổi nhất là 87. Cúm AH7N9 là dịch nguy hiểm nhóm A. Vi rút này còn có thể là nguy cơ gây đại dịch bởi tính lây lan và tương thích với vật chủ rất cao.

Theo ông Long, hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm sang người vì chỉ có 5/16 ca nhiễm cúm AH7N9 tại Trung Quốc có tiếp xúc với gia cầm và lợn. 11 trường hợp còn lại nguồn lây không rõ ràng. Việc tìm thấy vi rút trên chim bồ câu nhưng cũng chưa thấy mối liên quan với ca bệnh.

“Chưa xác định được chính xác đâu là nguồn lây khiến khó khăn cho đối phó với dịch”, ông Long nhấn mạnh.  

Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính cho biết BV đã thành lập đội phòng chống dịch cơ động với 20 thành viên, sẵn sàng 24/24 giờ phục vụ tiếp nhận cũng như hỗ trợ chuyên môn, chi viện nhận lực cho các BV khác tại Hà Nội và các tỉnh lân cận trong tình huống khẩn cấp và số bệnh nhân nhiễm cúm AH7N9 tăng cao.

Trong các ngày gần đây, 3 ca viêm phổi nặng điều trị tại BV được xét nghiệm đều không tìm thấy vi rút cúm H7N9.

5 khuyến cáo phòng cúm H7N9 trong cộng đồng

1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. (Bộ Y tế)

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.