Suýt tử vong vì hóc thạch rau câu

17/10/2012 20:50 GMT+7

(TNO) Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội đã cứu sống một bệnh nhi hôn mê, ngưng thở do hóc thạch rau câu.

 >> Hóc dị vật, những sơ ý tai hại
>> Hóc dị vật: khai một đằng, hóc một nẻo!
>> Cứu sống một trẻ bị hóc dị vật đường thở
>> Hóc dị vật

hóc dị vật
 Cháu Nghĩa đang được điều trị tại BV Bạch Mai - Ảnh: Thúy Anh

Bệnh nhi là Lương Hữu Nghĩa (14 tháng tuổi ở TP.Bắc Giang) sẽ ra viện trong 1 - 2 ngày tới sau hơn 2 tuần điều trị.

Trước đó, sáng 4.10, trong lúc ăn thạch rau câu tại nhà, bé Nghĩa bỗng nhiên ho sặc sụa, người tím tái rồi lịm dần. Gia đình lập tức đưa cháu vào cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Tại đây, dù được các bác sĩ đẩy dị vật ra ngoài nhưng cháu vẫn rơi vào hôn mê nên được chuyển lên BV Tai Mũi Họng T.Ư. Dù được soi và gắp các viên thạch đã nhai nát nhưng Nghĩa vẫn rơi vào trạng thái ngưng thở, người tím đen.

Tiếp tục được chuyển tới cấp cứu tại khoa Nhi BV Bạch Mai, lúc này độ bão hòa ô xy máu đo được chỉ còn khoảng 30 - 40% (mức bình thường 95%), phải tiến hành bóp ống thở ngoài lồng ngực. May mắn sau 15 phút tim cháu bé đã đập trở lại, người hồng hào hơn và tiếp tục được các bác sĩ hút dị vật ra.

Sau hơn một ngày thực hiện các biện pháp hỗ trợ đường thở, đảm bảo ô xy lên não và hút dị vật, sức khỏe cháu tiến triển tốt dần. Các đánh giá hiện tại cho thấy sự cố đã không ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của cháu bé.

Thông thường, trẻ bị ngạt thở có thể tử vong trong vòng vài phút nếu không được sơ cứu và cấp cứu kịp thời.

Theo các bác sĩ, hóc thạch là một trong những dị vật phức tạp. Với các trường hợp hóc dị vật khác như hạt lạc, hạt đỗ thì các bác sĩ tiến hành nội soi và gắp dị vật, ít khi bị chèn vào khí quản.

Với trẻ bị sặc cháo, bột và các thức ăn lỏng có thể hút dị vật thoát ra ngoài. Tuy nhiên, với hóc thạch thì khả năng cứu sống khó hơn rất nhiều vì viên thạch vào khí quản sẽ bít đường thở. Thạch là “chất liệu” rất khó để chọc hút, đặc biệt khi đã bị nhai nát.

Triệu chứng hóc là người đang khỏe mạnh đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, khó thở. Xử lý ban đầu không dùng tay móc họng trẻ, hay vuốt cổ, vuốt ngực trẻ, vì có thể khiến dị vật vào sâu hơn, hoặc làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn.

Nên sơ cứu hóc dị vật bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất, dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn, sau đó đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.