Gập ghềnh hành trình tiếp cận

04/10/2012 03:35 GMT+7

Nhiều người trẻ khuyết tật gần như bị bỏ rơi bên lề cuộc sống, bởi hầu hết những công trình công cộng không dành cho họ một lối đi.

Gập ghềnh hành trình tiếp cận
Bạn trẻ trải nghiệm trên chiếc xe lăn để đồng cảm hơn với người khuyết tật - Ảnh: Như Lịch

Quan niệm khá phũ phàng trên đối với người khuyết tật (NKT) còn rất phổ biến trong xã hội, theo đúc kết của những người thực hiện dự án Bản đồ tiếp cận do Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển – DRD khởi xướng và tiến hành từ tháng 8.2011 - 30.9.2012

 

78/1.800 và 2/78

Đó là những kết quả khảo sát đáng suy ngẫm của dự án Bản đồ tiếp cận: Chỉ có 78/1.800 công trình công cộng (trường học, bệnh viện, nhà hàng...) được khảo sát tại 8 quận nội thành trên địa bàn TP.HCM (1, 3, 5, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh) có những hạng mục mà NKT có thể tiếp cận được. Và trong 78 công trình trên, chỉ có 2 công trình có thể tiếp cận được 100%. Từ kết quả trên, DRD thiết kế bản đồ giấy và bản đồ điện tử cung cấp địa điểm những công trình với những tiêu chí cụ thể để người đi xe lăn có thể tiếp cận, như: lối vào, cửa, hành lang, thang máy, nhà vệ sinh.

Chị Phan Đình Bích Vân (22 tuổi), thành viên tham gia đội khảo sát những công trình và dịch vụ công cộng trên địa bàn TP.HCM, phản ánh: “Khó khăn không chỉ ở việc đi khảo sát mà còn ở sự nhìn nhận của xã hội đối với NKT. Rất nhiều người cho rằng, nếu ai đó bị khuyết tật thì nên ở nhà, ra ngoài xã hội làm gì để làm phiền đến người khác”. Chính định kiến này đã dựng lên rào cản trong nhận thức của không ít NKT, khiến họ trở nên thụ động hơn, không dám hòa nhập cuộc sống. Do đó, điều cần thiết là phải đánh động để nâng cao nhận thức của cộng đồng về một môi trường sống NKT…

Có rất nhiều cảnh khóc, cười chua chát, liên quan đến môi trường tiếp cận dành cho NKT do những tình nguyện viên từng lăn lộn với dự án tái hiện qua câu chuyện “365 ngày tiếp cận”. Và đây là cảnh bảo vệ một trường tiểu học từ chối thẳng thừng: “Nơi này không nhận học sinh khuyết tật. Muốn học thì xin vào trường khuyết tật”. Còn  kia là cảnh tiếp cận tại một cơ quan nhà nước mà ở đó, khi nhắc đến NKT, người ta nghĩ ngay đến chuyện xin tiền: “Muốn xin tiền thì qua hội chữ thập đỏ”. Hoặc, cảnh người phụ trách nhà vệ sinh công cộng lớn tiếng quát mắng khi nghe phản ánh cửa hẹp, lại có nhiều vật cản khiến xe lăn rất khó di chuyển: “Không vào được thì lết!”…

Chị Từ Mãnh Kỳ - Trưởng nhóm Bản đồ tiếp cận của DRD cho biết, mặc dù Việt Nam đã có quy chuẩn quốc gia về xây dựng đảm bảo cho NKT tiếp cận, song giữa quy định và việc thực hiện vẫn còn khoảng cách rất lớn. Theo chị Kỳ, dự án trên còn giúp chị có những trải nghiệm quý về công việc tình nguyện viên và nhân viên xã hội. “Dự án xã hội về NKT thực chất đầy màu sắc chứ không phải chỉ có tông màu xám. Nó đòi hỏi tụi mình phải lao vào làm, thực sự có niềm đam mê, sáng tạo, có nhiều hoạt động gần gũi, lôi cuốn. Từ đó, mới có thể đạt mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng” - chị Kỳ chia sẻ.

Như Lịch

>> Nhiều lớp dạy nghề cho người khuyết tật
>> Giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập
>> Thủ lĩnh' Đoàn của người khuyết tật
>> Hai chiếc xe buýt CNG dành cho người khuyết tật
>> Việc làm cho người khuyết tật
>> Giúp người khuyết tật ứng phó với thiên tai
>> Giảm giá vé máy bay, tàu, xe cho người khuyết tật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.