Nga dọn rác vũ trụ

14/09/2012 09:25 GMT+7

Phó Giám đốc Cơ quan Không gian Nga (Roscosmos), ông Sergei Savelyev, hôm 12-9 cho biết cơ quan này có kế hoạch phát triển hệ thống dọn rác trên quỹ đạo.

Theo hãng tin RIA Novosti, trong bối cảnh phạm vi các hoạt động trong không gian đang gia tăng, rác vũ trụ là một vấn đề nghiêm trọng đối với bất kỳ vật thể bay nào trong không gian, kể cả Trạm Không gian Quốc tế (ISS).

“Roscosmos đã quyết định phát triển một hệ thống có khả năng dọn dẹp rác vũ trụ có kích thước lớn khỏi các khu vực quan trọng trên quỹ đạo, đồng thời thiết lập một hệ thống cảnh báo tự động về các tình huống nguy hiểm trong không gian chung quanh trái đất” - ông Savelyev phát biểu tại hội nghị khoa học trong khuôn khổ cuộc triển lãm ILA Berlin Air Show 2012 ở Đức. Giới chức Nga này khẳng định: “Do bản chất toàn cầu của vấn đề rác vũ trụ, Roscosmos sẵn sàng hợp tác với các cơ quan không gian ở châu u về cả hai dự án trên”.

Bộ Chỉ huy không gian của không quân Mỹ đang theo dõi 22.000 mảnh vỡ rác vũ trụ do con người tạo ra, hầu hết đều có đường kính trên 10 cm. Ngoài ra, còn có hàng trăm ngàn mảnh rác vũ trụ có kích thước nhỏ hơn.

Theo nhận định của các nhà khoa học, bất kỳ vật thể nào lớn hơn quả bóng bầu dục đều có thể là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm đối với ISS. Hồi tháng 3 năm nay, một mảnh rác vũ trụ đã đến quá gần ISS khiến 6 nhà du hành vũ trụ trên đó phải tạm lánh sang khoang giải cứu của tàu Soyuz.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết mảnh rác trên là phần còn lại trong vụ va chạm tháng 2-2009 giữa vệ tinh viễn thông quân sự Nga Comsos 2251 và tàu vũ trụ Iridium của Mỹ. NASA cũng xác nhận trước đó mảnh vỡ trên đã được dự đoán sẽ bay qua bên dưới và cách ISS 14,8 km. Cuối cùng, mảnh vỡ này đã trôi qua ngay trước mặt ISS.

Các vụ việc tương tự như vậy cũng đã xảy ra vào các năm 2009 và 2011. Ngày 28-6-2011, một mảnh rác vũ trụ bay với tốc độ cao đã suýt va chạm với ISS. Trước đó, ngày 12-3-2009, một mảnh vỡ đường kính 13 cm xuất phát từ vụ phóng vệ tinh năm 1993 đã bay ngang qua ISS. Trong cả hai vụ này, các nhà du hành vũ trụ đều phải tạm thời sơ tán sang khoang giải cứu.

Theo Lục San / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.