Minh bạch như thủy điện Trung Sơn

23/11/2012 12:20 GMT+7

Ngày mai 24.11, là ngày khởi công dự án thủy điện Trung Sơn nhưng trước đó, toàn bộ thông tin về dự án đã được đưa lên website www.trungsonhp.vn để “minh bạch” thông tin.

Thủy điện Trung Sơn công suất 260 MW, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7700 tỉ đồng, do Công ty TNHH MTV thủy điện Trung Sơn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao làm chủ đầu tư, xây dựng trên dòng chính sông Mã, vị trí đập nằm tại xã Trung Sơn, H.Quan Hóa.

Dự án này có lòng hồ nằm trên địa bàn 3 huyện là Mường Lát, Quan Hóa (Thanh Hóa) và Mộc Châu (Sơn La).

Có hơn 1.500 hộ dân, với 7.000 nhân khẩu, đa số là người Mường, người Thái, H' Mông, Khơ Mú chịu tác động trực tiếp của dự án, trong đó có 533 hộ phải di dời để phục vụ công trình.

Để tìm hiểu phương án di dân, sinh kế cho đồng bào thiểu số, tôi lên trang google tìm thông tin về thủy điện Trung Sơn rồi click vào website www.trungsonhp.vn. Thật bất ngờ, toàn bộ thông tin dự án đã được công khai chi tiết.

Minh bạch như thủy điện Trung Sơn
Phối cảnh dự án thủy điện Trung Sơn, dự kiến hoàn thành vào năm 2017 - Ảnh: Thanh Phong

Ngay trên vị trí nổi bật là dòng tít: Tổng hợp khiếu nại của người dân về chính sách thu hồi đất, đền bù, di dân tái định cư…; Kéo xuống một chút, hàng loạt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động đến đời sống, văn hóa, xã hội của người dân ở khu vực của dự án cũng được đăng tải. Thậm chí, người đọc có thể download toàn văn báo cáo bằng định dạng PDF để có được thông tin sâu.

 

Thủy điện Trung Sơn có chiều cao đập 84,5 m, chiều dài đỉnh đập 513 m, rộng đỉnh đập 8 m, diện tích lưu vực 14,660 km2, nhà máy điện bao gồm 4 tổ máy với tổng công suất lắp đặt là 260 MW, dự kiến phát điện tổ máy 1 vào năm 2016, hoàn thành vào năm 2017.

Đây là công trình đa mục tiêu, vừa phát điện vừa cung cấp nước tưới, kiểm soát lũ cho hạ lưu sông Mã. Mục tiêu: "Cung cấp điện với chi phí thấp một cách an toàn và bền vững về môi trường và xã hội”.

Không chỉ thông tin tốt về dự án được đăng tải mà cả những tác động không mong muốn cũng được đề cập: Trong trang 23 của Kế hoạch quản lý môi trường thủy điện Trung Sơn (được tải về từ website www.trungsonhp.vn), mục Những rủi ro chính về môi trường ghi rõ: Tạo ra tiếng ồn, bụi; nguy cơ mất bản sắc văn hóa dân tộc; tăng nguy cơ truyền bệnh; tăng tệ nạn ma túy…

Ông Ngô Việt Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên thủy điện Trung Sơn (TSHPCo.), đơn vị được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành lập và giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án thủy điện Trung Sơn cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là công khai minh bạch thông tin, để mọi người hiểu đúng về dự án. Ngoài ra, khi công khai chế độ chính sách thu hút cán bộ trên công trường, người lao động cũng có thể giám sát việc thực thi những ưu đãi mà họ được hưởng. Có như vậy, mọi người sẽ yên tâm công tác và tất cả cùng đoàn kết hướng tới mục tiêu xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ”.

Trao đổi với PV, ông Vi Thành Thoa, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: “Từ vài năm nay tôi đã thấy nhiều đoàn cán bộ về khảo sát, nghiên cứu môi trường, điều kiện sống của dân cư ở xã. Bây giờ sắp có thủy điện, kinh tế của địa phương chắc chắn sẽ sôi động, phát triển mạnh hơn. Chúng tôi cũng đã được huyện Quan Hóa và chủ đầu tư hỗ trợ nhiều điều kiện để chuẩn bị tốt điều kiện đón 3.000 - 4.000 công nhân về làm việc đồng thời ngăn ngừa tình trạng ma túy, mại dâm, mất an ninh trật tự khi có biến động về dân số”.

Nhìn vào website của Trung Sơn, chúng tôi lại nghĩ đến những con đập như Sông Tranh, hay công trình “nhạy cảm” như điện Hạt nhân Ninh Thuận chuẩn bị xây dựng, cũng rất cần một chính sách công khai minh bạch thông tin như thế.

Thanh Phong

>> Vay 330 triệu USD xây dựng Nhà máy thủy điện Trung Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.