Tội múa!

18/08/2012 10:12 GMT+7

(TNTS) Nhân dịp khai trương tuyến bay Sài Gòn - Cam Ranh ngày 3.8 vừa qua, hãng VietJet Air đã tổ chức một sự kiện nho nhỏ vui vui: Cho một tiếp viên và bốn nữ vũ viên múa Hula trong ba phút để chào đón hành khách. Cục Hàng không dân dụng đã xử phạt hành chính VietJet Air hai chục triệu đồng về sự kiện không có trong chương trình kế hoạch bay này.

Tất nhiên, VietJet Air phải... vui vẻ mà đóng tiền phạt mặc dù lòng họ cũng hơi bị cụt hứng, quê quê. Ai cũng thấy được rằng sự kiện hy hữu như thế này hoàn toàn không có trong quy định có tính pháp luật của hàng không dân dụng. Cho nên, Cục phải chế ra lý do để xử phạt hành chính - nghĩa là không có thì phải làm cho có, để hợp lý hóa vấn đề. Thế nhưng, việc phải làm cho có đó liệu có thuyết phục được dư luận hay không thì lại là một chuyện khác.

Múa là một nghệ thuật trong bảy nghệ thuật của loài người. Cũng như hát, người ta có thể múa một người, múa hai người, hoặc múa ba người trở lên. Tôi đoan quyết rằng nếu hôm ấy hãng VietJet Air cho năm người ra hát trên chuyến bay này thì có lẽ Cục Hàng không dân dụng cũng chỉ cười trừ, không phạt họ. Vậy cái “tội” của họ ở đây chỉ gom lại trong chữ “múa”.

Có một ý kiến cho rằng nếu VietJet Air cho múa dân tộc thì có lẽ phù hợp hơn. Cục Hàng không dân dụng chẳng biết có đồng ý với quan điểm này không bởi nếu đồng ý thì múa dân tộc hay múa hiện đại cũng là múa. Vậy cái “tội” của VietJet Air lại là đã cho múa Hula hiện đại và cho người múa mặc bikini (ở trên có corset, phía dưới có váy dài) thay vì nên mặc áo dài của múa dân tộc.

 Tội múa!

Với một bộ trang phục như vậy, người ta cũng có thể tin rằng VietJet Air có quan tâm tới trang phục các vũ viên, có nghĩ đến chuyện ăn mặc không hề phản cảm của họ. Khái niệm bikini mà ta nói ở đây chỉ là tương đối, bởi đúng nghĩa của bikini thì nó không thế. Các vũ viên ở đây (qua hình chụp) cho thấy một lối ăn mặc tương đối kín đáo, chưa đến nỗi quá đáng như một số chương trình sân khấu ăn mặc phản cảm mà người ta đã thấy qua sóng truyền hình.

Vậy, cái tội của VietJet Air là... múa trên máy bay - một tội danh khá mới. Thế nhưng trước đó, những năm 70 của thế kỷ 20, đã có hãng máy bay cho múa trên máy bay rồi mà vẫn không bị bắt tội. Nói cách khác, có múa đi nữa thì cũng là chuyện cũ rích, dù hơi hiếm.

Huống chi cái sự múa đó không nhằm đạt tới mục đích kinh doanh mà chỉ nhắm làm vui, gây ấn tượng cho khách đi trên tuyến bay này trong ngày khai trương. Nếu bạn là người của Cục Hàng không dân dụng, bạn chọn hình thức phạt tiền hãng này hay chỉ cần nhắc nhở họ tuân thủ những quy định chung về an toàn bay và các sinh hoạt trên máy bay? Nếu là tôi (xin lỗi), tôi chọn biện pháp thứ hai, vừa phải hơn, hợp lý hơn và tỏ ra tôn trọng hành khách hơn.

Từ chuyện nhỏ như con thỏ, tôi xin nói qua chuyện lớn như... Chợ Lớn. Phải nói rằng trong nhiều năm qua, đường bay của các hãng bay ở Việt Nam là bảo đảm an toàn, an ninh tốt hơn rất nhiều nếu so sánh với nhiều đường bay khác trên thế giới. Trừ một vài lần  máy bay phải quay lại sân bay để sửa chữa một chi tiết hỏng hóc nhỏ, máy bay phải đáp quá cảnh xuống một sân bay khác để tránh bão hay sương mù trong mùa đông, đường bay Việt Nam là tuyệt đối an toàn. Một vài hành khách ba đá ăn nói tào lao trên máy bay hoặc có mang theo vũ khí đều bị phát hiện và xử lý kịp thời với sự đồng thuận của hành khách. Chúng ta có quyền tự hào về một đội ngũ chuyên gia lành nghề săn sóc máy bay ở mặt đất để bảo đảm những chuyến bay tốt đẹp. Công đầu ấy thuộc về Cục Hàng không dân dụng.

Tuy nhiên, có vài quy định của Cục Hàng không dân dụng xem ra rất lỗi thời. Tôi lấy thí dụ quy định trẻ em dưới 15 tuổi (chưa làm chứng minh) muốn đi với ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại thì phải có giấy ủy quyền của cha hoặc mẹ. Một là - đứa bé từ sáu đến mười bốn tuổi dư biết ai là ông bà của nó rồi; nó dư sức xác nhận với các cô chú an ninh sân bay chuyện đi theo ông bà hay là bị người khác bắt cóc. Hai là - không một ông bà già nào ngu ngốc làm kẻ phạm tội bắt cóc con nít mà đi qua đường tàu bay, vốn là con đường được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Giả thiết có một đứa bé có cha (hoặc mẹ) đang công tác ở xa, nó muốn được ông bà dẫn đi thăm nhưng trước đó cha mẹ nó đã ly dị thì lấy ai mà làm ra được cái giấy ủy quyền? Thì thôi, nó đành phải chờ đến mười lăm tuổi, làm xong cái chứng minh mới được quyền đi thăm cha (hoặc mẹ). Các chỗ bán vé máy bay xúi giục người lớn cầm theo cái... hộ khẩu trong đó cháu và ông bà cùng có tên, lên sân bay năn nỉ anh em an ninh cho qua cửa kiểm soát. Xin lỗi, người ta đi chơi là cần sự thoải mái, sự tôn trọng; đâu có phải đi lậu kiểu xe đò, xe lửa thời bao cấp mà phải năn nỉ? Mà lỡ nhân viên an ninh sân bay làm khó, không cho cả hai đi thì chẳng lẽ họ đành bỏ hai vé, chịu mất trên dưới ba triệu đồng?

Một quy định quái chiêu như vậy vẫn được duy trì cho đến bây giờ đã làm mất đi quyền được đi thăm cha (mẹ) của rất nhiều đứa bé. Nó trở thành một quy định bất công khi ông (bà) và cháu mặc sức đi đây đi đó trên xe lửa, xe đò hay tàu thủy. Ba phương tiện sau đâu có đòi hỏi giấy ủy quyền? Có lẽ, Cục Hàng không dân dụng của ta huỡn quá mới ngồi tư duy ra được cái điều khoản này để làm khổ trẻ con và ông (bà) của chúng.

Chuyện VietJet Air tổ chức múa sơ sơ ba phút hoàn toàn không có trong quy định mà vẫn bị phạt. Chuyện đã được quy định rồi là trẻ con không được cha (mẹ) ủy quyền cho ông bà đưa đi thì không được đi máy bay. Nghĩa là, có quy định thì nghe ra vẫn không hợp lý; không có quy định thì tôi chế ra lý do để phạt anh; buộc anh phải chấp hành, nghe cũng không hợp lý. Cái có quy định và cái chưa có quy định  đều... chưa sướng, không thuyết phục được mọi người.

Tôi có công việc vẫn thường xuyên đi máy bay. Tôi có cảm giác máy bay của chúng ta... trang nghiêm quá, cứng nhắc quá. Hình như giữa các anh chị kiểm tra an ninh mặt đất và tiếp viên trên máy bay đều thuộc trường phái nghiêm trọng thì phải. Bạn để ý đấy, họ làm việc mà không có nụ cười xã giao, thân thiện.

Cũng vậy, trước đây có vài chuyến bay có hệ thống máy chiếu phim màn ảnh nhỏ, còn cho hành khách giải trí một chút với các cuốn phim Tom and Jerry. Nay thì phim phèo gì cũng không còn. Khách leo lên được máy bay, ngồi đúng chỗ, tắt điện thoại và thiết bị điện tử tin học, thắt dây an toàn rồi... giả vờ ngủ cho đến khi đáp xuống sân bay. Đó là những chuyến bay lặng lẽ, không có gì vui cho hành khách về cả tinh thần lẫn vật chất.

Hình như hoạt động của mọi ngành nghề trên đất nước ta là chấp nhận những gì đã thành nếp và rất khó dung nạp cái mới, tạo điều kiện cho cái mới nảy sinh. Ở Thái Lan, anh em cảnh sát giao thông nhảy hip hop trên đường phố để làm vui cho giới lái xe, khiến họ quan tâm hơn tới cách cầm lái an toàn. Ở Việt Nam, anh em cảnh sát giao thông chủ yếu là rượt đuổi và biên phạt chứ không thể nhảy hip hop. Nay thì Cục Hàng không dân dụng phạt hãng VietJet Air vì “tội” múa. Tôi nghĩ, cơ quan thẩm quyền dùng quyền lực của mình phạt hãng thì hãng cũng chấp hành thôi. Nhưng một chuyện phạt như vậy cũng khiến riêng cá nhân tôi bất phục. Đời không phải vậy!

Vũ Đức Sao Biển

>> Vietjet Air: Không cho tiếp viên mặc bikini như vừa qua nữa
>> Vụ biểu diễn bikini trên máy bay: Vietjet Air bị phạt 20 triệu đồng
>> VietJet Air nói về clip "ăn mặc mát mẻ nhảy múa trên máy bay
>> AirAsia đầu tư góp vốn vào VietJet Air
>> Vietjet Air mở đường bay TP.HCM - Nha Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.