“Hóa kiếp” xe gian

28/09/2012 03:50 GMT+7

Nạn mất cắp xe máy luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai... Sau khi bị lấy cắp, những chiếc xe bị “hô biến” thành xe mới với đầy đủ giấy tờ, biển số rất tinh vi để lừa người mua và qua mặt cơ quan chức năng.

“Hóa kiếp” xe gian
Một đầu nậu bán đang giới thiệu một chiếc xe không giấy tại Q.Tân Phú - Ảnh: Mã Phong

Xe không giấy bán nhan nhản

Khi biết chúng tôi có ý định mua một chiếc xe gắn máy giá “bèo”, thì K. (một thợ sửa xe tại Q.7, TP.HCM) chỉ dẫn: “Cần mua xe gì, giá cả bao nhiêu, cứ lên chợ Tân Thành (Q.5) thứ gì cũng có hết”.

K. cho biết, tại chợ Tân Thành, xe máy từ có giấy đến không giấy, từ những chiếc xe có giá trị hàng trăm triệu đồng nhưng bán chỉ với 20 - 30 triệu đồng... Theo chân K., chúng tôi tìm đến tiệm bán phụ tùng xe gắn máy của ông V. ở chợ Tân Thành để tìm mua xe. Vừa thấy K., ông V. rôm rả giới thiệu: “Hôm nay đi tìm con gì đây? Có giấy hay không giấy? Anh vừa có mấy con Sirius, Wave S, SH... mới về cực đẹp mà giá rất mềm, chú thích anh bỏ lại cho”. Chúng tôi yêu cầu coi chiếc xe Wave S, ông V. điện thoại gọi cho ai đó. Vài  phút sau một thanh niên chạy chiếc xe máy mang biển số 59 tới để chúng tôi xem. Ông V. huyên thuyên: “Con này chạy chưa đầy 10.000 km, giá mới phải tầm 18 - 20 chai (triệu - PV), bây giờ anh để lại chú 6 chai, nếu có giấy anh phải bán cả chục chai đó. Đồng ý thì giao tiền lấy xe luôn”.

Theo tìm hiểu, ông V. là một trong những đầu nậu xe lớn tại chợ Tân Thành. Ngoài buôn bán xe “chợ trời”, ông này còn bán phụ tùng mới có, hàng “si đa” có... của tất cả các loại xe máy.

Hiện nay chỉ cần lên mạng đánh dòng chữ: “mua xe giá rẻ”  thì xuất hiện rất nhiều thông tin cần mua bán xe máy giá cực “bèo”. Từ thông tin rao vặt trên mạng chúng tôi liên lạc với người phụ nữ tên D. Qua điện thoại người này nhanh nhảu giới thiệu: “Ở đây xe loại gì cũng có, có giấy, không giấy giá cả phải chăng, muốn mua xe thì tới Q.Tân Phú xem. Giao xe ngay”. Địa điểm mà bà D. hẹn gặp chúng tôi là ngôi nhà nằm sâu trong hẻm trên đường Hòa Bình (Q.Tân Phú). Dẫn chúng tôi tới bãi giữ xe của mình, bà D. giới thiệu: “Xe tụi chị mua đi bán lại, xe có giấy, không giấy cũng có, em muốn mua loại nào, giá cả bao nhiêu?”. Khi biết chúng tôi mua xe không giấy cho rẻ, bà D. liền bảo: “Hiện chị còn 3 con xe không giấy, thích con nào chị để lại con ấy, đảm bảo xe tốt, và không phải xe trộm cắp”. Bật chìa khóa đề chiếc xe Air Blade, bà D. ra giá: “Con này còn ngon, chị bán giá 5 triệu đồng”...

Qua nhiều lần liên lạc, chúng tôi hẹn được P. để xem chiếc xe Nouvo đang rao bán trên mạng. Tại quán cà phê trên đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại vì xe không có giấy tờ, P. trấn an: “Đã chạy loại xe này thì ra đường phải canh công an, tránh đi lại về khuya là được. Chẳng may bị công an thổi lại, nếu năn nỉ không được thì bỏ xe luôn, chứ ai biểu đứng đó ký biên bản chi cho rắc rối, tiếc làm gì”.

Coi chừng bị lừa

 

Nhiều chiêu “hô biến”

Hiện có rất nhiều cách để “hô biến” xe trộm cắp. Nhiều nhất là xe bị lấy cắp thường tập trung và có đường dây đưa sang Campuchia tiêu thụ. Nếu không được thì xe sẽ bị tháo rời các bộ phận để bán tại chợ Tân Thành hay các cửa hàng chuyên buôn bán phụ tùng xe máy. Có những đường dây, sau khi nhập xe không giấy về, những người buôn bán cho cà số sườn, số khung làm lại biển số giả, giấy đăng ký giả và bán với giá cao.

Trước khi dẫn chúng tôi đi mua xe giá rẻ, thợ sửa xe K. cảnh báo: “Đa phần xe máy giá rẻ bán trôi nổi là những xe có nguồn gốc không rõ ràng, mà phần lớn là xe đá (xe trộm cắp - PV). Còn không thì cũng bị luộc hết đồ ngon thay vào toàn đồ bậy bạ không à. Người không biết mua vào là hớ ngay!”.

Anh Hiền (ngụ tại P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) bùi ngùi kể chuyện mua chiếc xe máy giá rẻ không giấy của mình: “Tôi làm công nhân nên chẳng có nhiều tiền. Từ giới thiệu của một người bạn, tôi mua một chiếc xe Dream II với giá 6 triệu đồng của một người tại TX.Dĩ An (Bình Dương). Người bán giới thiệu xe nhập từ Campuchia về, đồ đạc còn nguyên vẹn nên cũng yên tâm. Ai ngờ về chạy được 1 tuần thì xe không chạy được nữa, đem ra tiệm kiểm tra, thợ phát hiện nòng, phuộc, IC... toàn là hàng “đểu”. Thợ khuyên tôi thay toàn bộ những thứ đã bị “luộc”, mất hơn 3 triệu đồng thì xe mới chạy được”.

Anh G. (ngụ TX.Thuận An, Bình Dương) vì ham rẻ và không hiểu biết về xe mua một chiếc Sirius nên mang vạ vào thân. Anh kể lại: “Cuối năm 2011, một người bạn dắt mối cho tôi mua chiếc xe này với giá 8 triệu đồng có giấy tờ đầy đủ. Một lần, tôi bị CSGT thổi vì lỗi lấn tuyến. Sau khi xem giấy tờ, không biết sao họ kêu tôi về cơ quan công an làm việc. Tại đây, tôi ngỡ ngàng khi nghe công an cho biết xe tôi mang giấy tờ giả và họ nghi là xe trộm cắp mà có. Nhiều lần sau đó, tôi bị mời lên để lấy lời khai. Tưởng mua được xe rẻ để đi làm, ai ngờ giờ bị mất tiền mà còn bị nghi ngờ tiêu thụ xe gian”, anh G. tâm sự.

Chúng tôi liên lạc với Hùng (tay buôn bán xe qua mạng tại Hải Phòng). Khi biết chúng tôi mua xe Su “xì po”, Hùng giới thiệu: “Tôi có 1 con không giấy, đi được nửa năm rồi. Nếu cần tôi chụp ảnh chuyển cho xem, thích thì gửi tiền qua tài khoản, hàng sẽ chuyển đến đúng ngày, giờ”. Anh Ninh (một người chơi xe máy) thì lắc đầu khi nghe chúng tôi kể muốn giao dịch mua xe tại Hải Phòng: “Mấy ông mà dính mấy thằng đó, chỉ có mất tiền chứ khi nào lấy được xe, đừng có dại”.

Công Nguyên

>> Phá ổ “xẻ thịt” xe gian
>> Phá đường dây tiêu thụ xe gian quy mô lớn
>> Tạm giam 3 tháng kẻ tiêu thụ xe gian
>> Phá đường dây tiêu thụ xe gian, thu giữ 30 xe máy
>> Bắt khẩn cấp 6 nghi can tiêu thụ xe gian
>> Phá đường dây tiêu thụ 115 xe gian

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.