Đã đổ máu tức là đau đớn!

26/02/2014 14:30 GMT+7

(TNO) Phong tục và lễ hội là những hoạt động văn hóa của một dân tộc, một cộng đồng người, được tồn tại, duy trì và phát triển qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, những hình thái đó cũng có thể mai một, đào thải hoặc mất đi do nhiều nguyên nhân…


Xác một trâu chọi ở Hội chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) nằm trên nền xi măng đầy máu -  Ảnh: Nguyễn Tuấn - Xuân Bùi

Đất nước bắt đầu từ mùa xuân, mùa xuân bắt đầu từ những lễ hội, từ những phong tục truyền thống. Gọi là nét văn hóa, nhưng nếu không hiểu đúng nguồn gốc và ý nghĩa, lễ hội và phong tục sẽ dễ dàng bị biến dạng, đến một lúc nào đó vô hình trung sẽ trở thành hủ tục, tạo cho người tham gia những thói quen phản cảm.

Đầu năm, dân tộc ta có những phong tục như lì xì, đi lễ chùa, chơi bài, đánh cờ, xem bói.., đó là những hoạt động thể hiện rõ nét sự trường tồn của một dân tộc. Nhưng qua những gì báo chí đã phản ánh, những hình thái đó đang dần trở nên “xấu xí” bởi những quan niệm tiêu cực những người tham gia.

Đầu năm, đất nước ta có rất nhiều lễ hội. Nhưng đối với những lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, chém lợn ở đồng bằng sông Hồng, chọi trâu ở vùng duyên hải Bắc bộ..., thật sự người viết trong thâm tâm muốn dẹp bỏ những nghi thức truyền thống đó càng sớm càng tốt, bởi một điều rất đơn giản là cái cảm giác đau đớn mà nó đem lại là có thật, là rất rõ ràng.

Con người ta thường đau đớn khi bị thương, khi có bệnh, mà chẳng ai trong chúng ta muốn mình bị thương, bị bệnh…

Các chính thể văn minh luôn cổ súy cho các hoạt động nhân đạo, tôn vinh mọi hình thức đấu tranh bất bạo động. Các tôn giáo chính thống, chính danh đều muồn dẫn dắt các tín đồ của mình đến với cái thiện, lòng từ bi, bác ái, vì bản năng “cái ác” luôn tồn tại sẵn trong mỗi một con người, nếu không kìm chế liên tục nó sẽ bùng phát khi có điều kiện, và đôi khi, cái ác có thể hủy diệt toàn thể loài người.

Ngày nay, những môn thi đấu mang tính “dã man” đã dần dần bị đào thải, ngay cả những môn thể thao có tính “bạo lực” cao như võ thuật, quyền anh, đấu võ nghệ thuật.., thì những thiết chế luật chơi và các phương tiện, trang bị hỗ trợ đều được quy định chặt chẽ, kiểm tra kỹ càng để hạn chế tối đa sự đau đớn cho các vận động viên, hạn chế tối đa sự “ác ý” dẫn đến thương vong, đột tử.

Đối với phạm nhân, thế giới có công ước chống tra tấn và nhục hình, chỉ với mong muốn có thể tránh đi sự đau đớn không đáng có. Tử tù, đó là những con người làm những “điều ác tày trời” mà công lý, loài người không thể tha thứ được. Thế nhưng, sự văn minh và tính nhân văn của loài người tiến bộ đang tìm cách đấu tranh để cho những “tội phạm buộc phải chết kia” có được sự ra đi trong nhẹ nhàng, nhanh chóng, và quan trọng nhất là không đau đớn. Hơn nữa, nhân loại còn đang tìm cách làm sao cho thế giới… không còn án tử hình.

Ngay cả gà, bò, heo..., là những con vật được đa số các nước chấp nhận là vật nuôi lấy thịt. Nhưng với tinh thần nhân đạo ngày càng cao, những người chuyên làm nghề giết mổ gia súc luôn tìm mọi phương pháp làm sao để con vật ấy chết thật nhanh, chết mà không đau đớn.


Những người vừa cổ vũ các chú trâu chọi, đã hăng hái tham gia xẻ thịt trâu ngay sau đó - Ảnh: Nguyễn Tuấn - Xuân Bùi

Quay lại với vấn đề lễ hội đâm trâu, chọi trâu, chém lợn… Đi đôi với lý do “mỹ tục” truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ, tính táo bạo, lòng quả cảm, sự thịnh cầu may mắn cho một năm mới, cho một mùa làm ăn mới, thì bên cạnh đó luồng dư luận cho nó là kém văn minh, cần phải xóa bỏ... cũng không phải là ít.

Cái mà ai cũng có thể cảm nhận được khi chứng kiến cảnh đâm trâu, chọi trâu, chém lợn… là nét mặt căng thẳng của những người quan sát, những người tham gia. Đối với những người yếu bóng vía thì không nói làm gì, nhưng đối với người có máu lạnh, những hoạt động như thế này có thể kích thích tính hiếu sát của người xem, gián tiếp gây tác động đến sự hình thành những biến thái nhân cách.

Hằng năm, những mùa lễ hội vẫn luôn chật kín người, để một phong tục bị đào thải, bị mất đi phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người trong cuộc, của cộng đồng, của dân tộc. Loài người khác loài vật ở tư duy, nhưng sự đau đớn thì hình như vật và người đều như nhau. Bị đau đớn vào tình thế bắt buộc sinh tồn lại là chuyện khác, nhưng bị đau đớn bởi tư duy đem lại sự “may mắn” cho loài người thì người viết cảm thấy “dã man” và vô lý quá.

Có nói gì thì nói, nhưng đã đổ máu tức là đau đớn.

Minh Phước (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là một người viết tự do đang sinh sống ở Đà Nẵng

>> Cần xây dựng nếp văn hóa lễ hội
>> Ẩu đả đổ máu ở lễ hội cướp phết đầu năm
>> Thót tim xem Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
>> Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Vì sao chưa an toàn?
>> Hàng vạn du khách đổ về hội chọi trâu Hải Lựu
>> Tuyên Quang: Diễu hành cổ vũ hội chọi trâu Hàm Yên
>> Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng: Rằng hay thì thật là hay...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.