Cầu hiền

28/09/2012 03:15 GMT+7

Theo báo cáo của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối và đầu tư từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về trong nước mỗi năm đạt xấp xỉ 20 tỉ USD, trong đó riêng kiều hối khoảng gần 10 tỉ USD. Đây phải gọi là một con số khổng lồ, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nhưng nếu huy động được một cách triệt để, trên tinh thần kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc thì nguồn lực từ khoảng 4,5 triệu người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, trong đó có khoảng 400.000 chuyên gia, trí thức, nhà khoa học tên tuổi, chuyên gia đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, mang lại cho đất nước sẽ còn lớn lao hơn nhiều lần con số vật chất khô khan đó.

Trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nổi tiếng với chính sách cầu người hiền tài hồi sau Cách mạng tháng Tám. Trong bối cảnh chính trị phức tạp bậc nhất ấy, Người đã mạnh dạn sử dụng nhiều nhân sĩ, trí thức từng học tập, làm việc ở nước ngoài, có người đã từng tham gia bộ máy của chế độ cũ, như các ông Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của, Vũ Đình Hòe, Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng... Họ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp dân tộc.

Đã có nhiều kiến giải về thực tế ít trí thức Việt kiều về nước làm việc, chế độ làm việc, chính sách lương bổng cũng được đặt ra. Nhưng nếu nhìn từ bài học cầu người hiền của Hồ Chủ tịch có thể thấy, thái độ trọng dụng, sự tin tưởng mới là yếu tố quyết định sự trở về và cống hiến của các trí thức. Trên thực tế, hiện nay, phần lớn các giáo sư và nhà khoa học Việt kiều về nước tham gia làm việc ngắn hạn cũng chỉ là trên tinh thần thiện nguyện, đa phần bỏ tiền túi. Song nhiều người phàn nàn, đôi khi họ bị những thủ tục hành chính gây phiền hà. Đến giờ chúng ta vẫn còn phải bàn về quan điểm cấp hộ chiếu Việt Nam hoặc miễn thị thực cho trí thức Việt kiều đã là rất chậm. Nó chứng tỏ Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về người Việt ở nước ngoài, 8 năm nay vẫn thiếu cơ chế thực hiện, chưa có chính sách cũng như môi trường thỏa đáng cho trí thức Việt kiều làm việc trong nước.

Mục tiêu thu hút 1.000 trí thức Việt kiều về nước làm việc trong các cơ sở giáo dục trong vòng 10 năm có vẻ còn xa vời, khi hiện tại chính sách thu hút trí thức Việt kiều vẫn còn trong vòng bàn thảo, việc xây dựng chính sách thu hút chuyên gia trong từng ngành chưa được đặt ra.

Các nước láng giềng như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… đều đã thành công khi đặt ra chính sách hợp lý thu hút trí thức ở nước ngoài hồi hương thông qua các dự án, chương trình cấp quốc gia. Qua đó, nhà nước sẽ phân bổ đội ngũ này về các trường thực hiện dự án và nhà nước chứ không phải các trường phải trả lương cho họ. Ba mươi năm sau khi triển khai chính sách mời gọi trí thức Hàn kiều ở Mỹ trở về, Hàn Quốc trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới. Trung Quốc cũng đã ứng dụng chính sách ưu đãi mời gọi trí thức Hoa kiều, và họ cũng đã tiến rất nhanh trong công cuộc hiện đại hóa công nghiệp hóa đất nước, trở thành nền kinh tế thứ 3 trên thế giới.

Và Việt Nam sẽ ứng xử thế nào với nguồn nhân lực chất lượng cao luôn đau đáu với quê hương?

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.