Người dịch sách Mạc Ngôn

21/10/2012 03:10 GMT+7

Nhiều tác phẩm của nhà văn vừa đoạt giải Nobel Văn chương 2012 Mạc Ngôn (Trung Quốc) do dịch giả Trần Trung Hỷ chuyển ngữ.

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi ngắn với dịch giả Trần Trung Hỷ quanh tác phẩm Ếch cũng như giải Nobel dành cho Mạc Ngôn.

Quá trình anh dịch cuốn Ếch - tiểu thuyết mới nhất của Mạc Ngôn mất bao lâu và gặp những khó khăn gì?

- Trong Ếch, Mạc Ngôn sử dụng hình thức kết cấu liên văn bản, tức lồng ghép các thể loại trong cùng một văn bản (tiểu thuyết trong thư tín, kịch bản văn học trong tiểu thuyết...). Cái kết của tiểu thuyết lại mở đầu cho một kịch bản văn học.

Cách viết này đạt hiệu quả đến đâu, để cho độc giả đánh giá, nhưng theo tôi, đây là một cách xử lý táo bạo của nhà văn nhằm mục đích mô hình hóa thế giới hiện thực, khách quan hóa bi kịch cá nhân của hai nhân vật Vạn Tâm và Khoa Đẩu. Rộng hơn là bi kịch của cả dân tộc Trung Quốc trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Trước đó, trong Báu vật của đời, Sống đọa thác đày và đặc biệt là Thập tam bộ, Mạc Ngôn đã thử nghiệm khá thành công hình thức liên văn bản này, ví dụ trong Thập tam bộ là sự lồng ghép tiểu thuyết với phóng sự báo chí và huyền thoại.

Bởi đã quen thuộc với cách viết, phong cách ngôn ngữ của Mạc Ngôn nên việc dịch Ếch không đem đến cho tôi quá nhiều khó khăn, chính vì vậy tôi đã hoàn thành 550 trang dịch chỉ trong vòng một tháng.

Khi dịch sách Mạc Ngôn và tác phẩm của các tác giả Trung Quốc khác, anh thấy có những gì khác biệt?

- Thực ra tôi không dịch nhiều tác giả Trung Quốc nên rất khó so sánh, chỉ có thể nêu đôi điều cảm nhận với tư cách người dịch lẫn người đọc. Mạc Ngôn không quá “cao siêu” như Cao Hành Kiện, không quá “chân thực” như Thiết Ngưng, Hải Nham, cũng không “dễ dãi” như nhiều nhà văn trẻ.

Rất dễ thấy, Mạc Ngôn tiếp thu thành tựu văn học hiện đại của thế giới và văn học cổ điển Trung Quốc, dung nhập tất cả trong ngòi bút của mình để tạo nên phong cách “rất Mạc Ngôn”. Nói như nhận định của Ủy ban Nobel, tác phẩm Mạc Ngôn là sự “kết hợp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với các câu chuyện dân gian, lịch sử và văn học đương đại”. Tiếp thu và sáng tạo, theo tôi đó là đặc sắc của Mạc Ngôn để sáng tạo ra những cái mới trong một hệ thống đề tài đã quá cũ và trong một không gian hiện thực quá chật hẹp.

Trong khi nhiều nhà văn đang lao vào tìm kiếm và lúng túng trong “cái mới” về đề tài, về chủ nghĩa... thì Mạc Ngôn vẫn trung thành với danh ngôn của Hemingway: “Thời niên thiếu bất hạnh là cái nôi của nhà văn”. Có lẽ, đây là điều khác biệt dễ nhận ra giữa Mạc Ngôn với các nhà văn đương đại Trung Quốc.

Khi nghe tin Mạc Ngôn đoạt giải thưởng, anh có cảm nhận ra sao?

- Rất vui, thế thôi. Vui vì mình đã góp phần giới thiệu kịp thời đến độc giả Việt một phần các tác phẩm của Mạc Ngôn trước khi ông được giải thưởng Nobel. Có lẽ trong lịch sử giải Nobel, chưa có nhà văn nào so với Mạc Ngôn được độc giả VN “biết và hiểu” trước khi nhận giải đến như vậy, vì thế họ có thể đánh giá, bình luận tác phẩm của Mạc Ngôn cũng như quyết định của Ủy ban Nobel một cách khách quan hơn.

Riêng tôi, việc Mạc Ngôn đoạt giải thưởng cũng không có gì quá bất ngờ, vấn đề là ông vượt qua được Haruki Murakami, người được xem là “cây đại thụ” của chủ nghĩa hậu hiện đại của văn học đương đại Nhật Bản và thế giới mới là điều thú vị. 

Anh đã dịch được tổng cộng bao nhiêu tác phẩm. Cuốn mới nhất là gì? Đang chuẩn bị dịch tiếp cuốn gì?

- Tôi đã dịch gần 20 tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc với các bút danh khác nhau, nhiều nhất là của Mạc Ngôn và một vài tác giả khác, một số ít trong đó chưa được xuất bản. Như đã nói, cuốn mới nhất của tôi là Ếch của Mạc Ngôn.

Tôi là người dịch nghiệp dư, chuyện dịch một tác phẩm nào đó không hoàn toàn chủ động, nói chung tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Chủ quan là điều kiện công tác, khách quan là nhu cầu của độc giả và nhiều yếu tố khác.

Dịch giả Trần Trung Hỷ sinh năm 1960 tại Quảng Ngãi. Tiến sĩ văn học về thơ Đường, từng du học bảy năm ở Trung Quốc, tham gia giảng dạy tiếng Việt tại Đài Loan. Hiện ông đang làm việc tại Ban Đào tạo sau đại học của Đại học Huế. Ông đã dịch khoảng 20 tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc với các bút danh khác nhau, trong đó có các tác phẩm của Mạc Ngôn như: Sống đọa thác đày, Thập tam bộ, Tứ thập nhất pháo, Châu chấu đỏ, Trâu thiến, Con đường nước mắt, Hoan lạc, Bạch miên hoa, Người tỉnh nói chuyện mộng du (tạp bút), Ếch...

Ngọc Bi

>> Dịch giả Takahashi viếng mộ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm
>> Dịch giả trẻ Nguyễn Duy Bình: Nếu tự tin thì không nản chí
>> Thần đồng dịch giả
>> Dịch giả Đoàn Tử Huyến: 108 là con số thú vị
>> Dịch giả Trần Đăng Khoa: “Mỗi quyển sách hay là một cơ hội thay đổi cuộc đời”
>> Dịch giả Giáp Văn Chung đoạt giải Văn hóa Hungary

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.