Không được võ đoán trong tái định cư!

24/10/2012 03:35 GMT+7

Lập quy hoạch nơi tái định cư, trưng cầu ý kiến người dân rồi mới tiến hành giải phóng mặt bằng... Đó là ý kiến của các chuyên gia để tránh tình trạng người dân bỏ nơi tái định cư.

Mới chỉ là khẩu hiệu

Từng tham gia nhiều cuộc giám sát việc thực hiện chính sách tái định cư (TĐC) cho người dân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) Bùi Sỹ Lợi nói: “Tôi đi giám sát thủy điện Sơn La thấy hầu như diện tích nơi ở, đất canh tác sản xuất không bằng nơi cũ, thủy lợi không có, nước không có, đất sản xuất không có độ màu mỡ... Thông thường, những chỗ đất tốt dân ở đó đã ở hết rồi. Người đến sau phải chấp nhận cảnh "trâu chậm uống nước đục". Tình trạng dân TĐC nhường đất cho các dự án nói chung, công trình thủy điện nói riêng có cuộc sống khó khăn đang khá phổ biến”.

 Tái định cư cho thủy điện Hòa Bình
Đường dẫn vào từng xóm ở xã Hiền Lương (nơi tái định cư cho thủy điện Hòa Bình) hơn 30 năm loang lổ, dân chỉ có cách dắt xe khi lên dốc - Ảnh: Nguyệt Minh

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường thì cho rằng, có 2 việc trong thực hiện luật Đất đai hiện vẫn mới chỉ dừng ở “khẩu hiệu”, đó là cơ chế đền bù sát giá thị trường và chủ trương bố trí TĐC cho dân bị thu hồi đất phải bảo đảm nơi ở mới ít nhất là bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.

“Luật Đất đai hiện hành thực hiện đã 10 năm nhưng đến nay không một văn bản nào nêu cụ thể bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ là như thế nào, từ điều kiện ăn ở, sinh hoạt, kế sinh nhai đến môi trường sống”, ông Võ nhìn nhận.

 

Dân phải được góp ý, thảo luận. Dân yêu cầu cái gì, mong muốn gì, phải ghi nhận phản ánh đến từng hộ một để bố trí trong phương án TĐC. Nếu 2/3 dân đồng thuận thì mới thực hiện phương án TĐC

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội thì cho rằng, sở dĩ việc bố trí TĐC cho dân hiện nay không thực hiện đúng chủ trương đề ra là do những điều tốt đẹp đó chủ yếu mới chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, chưa quy định rõ trách nhiệm từng khâu, từng cấp trong việc giải quyết TĐC cho dân, việc kiểm tra, giám sát cũng buông lỏng.

TĐC trước, giải phóng mặt bằng sau

Theo GS Đặng Hùng Võ, trong Hiến pháp 1992 sửa đổi sắp tới, chúng ta cần quán triệt quan điểm hạn chế tối đa “động” vào đất ở của dân, thu hồi đất bằng quyết định hành chính. Đồng thời, để giải quyết tốt vấn đề “hậu thu hồi đất của dân”, cần thực hiện nghiêm túc 2 nguyên tắc: Một là không  nên thu hồi đất vì phát triển kinh tế. Nếu vì cả mục đích kinh tế lẫn lợi ích công cộng (như các nhà máy năng lượng, điện hạt nhân) thì những người thắp điện phải trả lại một phần lợi ích cho người mất đất. Người bị thu hồi đất phải được hưởng khoản hỗ trợ sinh kế hằng tháng do đã mất tư liệu sản xuất. Thứ hai là đối với cả trường hợp thu hồi đất vì lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia cũng không được áp dụng quyền quyết định võ đoán của cơ quan quản lý nhà nước mà phải chuẩn bị từ khâu quy hoạch. Dân phải được góp ý, thảo luận. Dân yêu cầu cái gì, mong muốn gì, phải ghi nhận phản ánh đến từng hộ một để bố trí trong phương án TĐC. Nếu 2/3 dân đồng thuận thì mới thực hiện phương án TĐC. “Trong phương án đó dân sinh kế thế nào phải tính toán cụ thể, quy hoạch rõ ràng mới được thu hồi đất. Trong trường hợp dân khó khăn, chưa có việc làm, không thể thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích như các dự án đầu tư nói trên thì ngân sách nhà nước phải giải quyết”, ông Võ kiến nghị,

Luật gia Vũ Xuân Tiền thì cho rằng, luật Đất đai sửa đổi lần này cần quy định rõ ai lấy đất của dân thì người đó phải bảo đảm TĐC cho dân. Nếu chủ thể thu hồi đất là nhà nước thì nhà nước nên thực hiện theo hình thức trưng mua với mức giá thị trường, đảm bảo người dân có thể cầm tiền đó đi mua được nhà ở khác tương đương hoặc tốt hơn nơi cũ. Trường hợp đất bị trưng mua, thu hồi để phục vụ phát triển KTXH theo cơ chế hiện hành thì phải trình rõ phương án TĐC cụ thể cho dân như thế nào rồi mới được tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất của dân. “Phải đảm bảo quy hoạch tái định cư trước mới thực hiện GPMB, di dời dân. Không thể duy trì cách làm hiện nay là chạy theo sức ép tiến độ GPMB nên cứ xua dân khỏi nơi ở hiện tại đã, rồi tùy theo khả năng mới bố trí TĐC cho dân sau đó, sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy, bất ổn về chính trị xã hội”, luật gia này khuyến nghị.

Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: dự luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ trường hợp thu hồi đất theo nguyên tắc để phát triển công nghiệp, nhà máy thì dứt khoát phải thu hút lao động tại chỗ để giải quyết việc làm. Luật hiện hành có quy định nhưng không cụ thể, đầy đủ, không quy định rõ trách nhiệm ràng buộc và chế tài xử lý nên thực tế rất nhiều DN chối bỏ trách nhiệm bảo đảm công ăn việc làm cho người bị thu hồi đất.

Cần hạn chế DN thực hiện phương thức trả tiền thay đào tạo nghề mà phải quy định rõ trong luật: Trước khi thực hiện thu hồi, trưng mua đất, DN phải lập phương án về đào tạo nghề cho nông dân mất đất theo địa chỉ sử dụng cụ thể, thực hiện đào tạo trước khi thực hiện GPMB. Sau khi đào tạo xong, tiếp nhận vào DN mình làm việc hoặc nếu không kham hết thì phải ký hợp đồng cung ứng lao động cho DN thứ ba để sử dụng lao động mất đất. (Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi)

Bảo Cầm

>> Đói khổ ở khu tái định cư
>> Thiếu đất, dân bỏ làng tái định cư
>> Nguy cơ vỡ quỹ đất tái định cư
>> Kiến nghị cho quận, huyện chủ động sử dụng qũy nhà tái định cư
>> Khu tái định cư... nhưng không có điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.