Cái giá của kiệt tác nghệ thuật

23/10/2012 03:15 GMT+7

Vụ trộm tranh bí ẩn tại Hà Lan một lần nữa cho thấy các kiệt tác nghệ thuật luôn là miếng mồi ngon hấp dẫn giới tội phạm.

Trong lúc cảnh sát lần theo dấu vết đằng sau một trong những vụ trộm tranh lớn nhất lịch sử, giới chuyên gia chắc chắn một điều rằng những kẻ đứng sau vụ trộm táo tợn hồi đầu tuần tại Viện Bảo tàng Kruntshal ở Rotterdam (Hà Lan) có vẻ như chẳng phải tay mơ về nghệ thuật, nếu không nói khá am hiểu về tranh ảnh có giá trị, theo CBS. Tổng thiệt hại trong vụ trộm ngày 16.10 có thể lên đến 130 triệu USD. Hai trong số các họa sĩ có tác phẩm bị trộm vừa qua luôn nằm trong tầm ngắm trước nay của bọn tội phạm, đó chưa kể một vị luôn đứng đầu danh sách các tác phẩm bị trộm cắp.

Tác phẩm của ai bị trộm nhiều nhất ?

Các tác phẩm vừa bị mất thuộc về các tác giả Pablo Picasso, Claude Monet, Henri Matisse, Paul Gauguin, Meyer de Haan và Lucian Freud. Picasso có lẽ cũng không ngờ rằng đến 1.147 bức họa của mình từng bị biến mất khỏi các viện bảo tàng, tính đến tháng 1.2012, biến ông trở thành họa sĩ bị trộm cắp nhiều nhất mọi thời đại, theo danh sách do Art Loss Register tổng hợp. Đây là tổ chức giúp theo dõi và thu hồi những tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp trên toàn thế giới. Họa sĩ đứng thứ 2 trong danh sách này là Nick Lawrence, một cái tên ít người biết đến. Hầu hết 557 tác phẩm của họa sĩ người Mỹ bị biến mất cùng một thời điểm, ngay sau khi chúng được chuyển đến một nơi khác vì chỗ lưu giữ ban đầu vi phạm quy định an toàn về chống hỏa hoạn. Cũng theo danh sách trên, Matisse từng có 205 tác phẩm bị mất, chưa tính vụ trộm mới nhất. Do Art Loss Register đã lập tức cập nhật kho dữ liệu của mình, bọn tội phạm chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi cố gắng tẩu tán những bức họa với tổng trị giá hàng trăm triệu USD.

 Một bức tranh đã được thu hồi tại Serbia
Một bức tranh đã được thu hồi tại Serbia - Ảnh: Reuters

Cho đến nay, giới chuyên gia vẫn chưa xác định được bức họa nào bị trộm nhiều nhất. Trong khi sách kỷ lục Guinness thế giới cho rằng đó là bức họa Jacob de Gheyn III của Rembrandt, bị trộm 4 lần từ năm 1966 đến nay. Lần đầu, người ta phát hiện nó nằm chỏng chơ trong phòng để hành lý thất lạc, lần thứ hai đằng sau một chiếc xe đạp, lần nữa dưới băng ghế trong nghĩa địa, và lần cuối trên taxi. Còn bức Ghent Altarpiece, hay còn gọi là “Sự tôn thờ cừu non thần bí”, là tác phẩm chung của anh em nhà Hubert và Jan van Eyck vào thế kỷ thứ 15, đã bị trộm hết 7 lần trong 6 thế kỷ qua, theo sử gia nghệ thuật Noah Charney.

Bên cạnh đó, vụ trộm đắt đỏ nhất cũng gây nhiều tranh cãi, theo chuyên gia Alice Farren-Bradley của Art Loss Register. Giới sử gia nghệ thuật luôn nhớ như in vụ trộm bức Mona Lisa vào năm 1911, nhưng do kiệt tác này của Leonardo da Vinci là vô giá, nên các chuyên gia nghĩ đến vụ trộm khác. Vào ngày 18.3.1990, Viện Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston (Mỹ) rung chuyển khi bọn tội phạm khuân đi các bức tranh trị giá gần 500 triệu USD, trong đó có các tác phẩm của Vermeer, Rembrandt và Monet, theo FBI.

Không dễ làm giàu từ trộm tranh

Cũng giống như trong phim ảnh, những vụ trộm tranh diễn ra dường như hết sức hoàn hảo. Thế nhưng, bọn tội phạm lại ít cân nhắc về khả năng liệu chúng có thể làm giàu nhanh chóng từ hành động trộm cắp này hay không. Thực tế cho thấy việc tiêu thụ tranh trong các vụ trộm nổi tiếng hầu như không thể thực hiện được. Do vậy, phần lớn các trường hợp bọn trộm thường cố gắng bán lại những tác phẩm này cho chính chủ nhân của chúng. Theo Bloomberg, 40% các tác phẩm bị đánh cắp được thu hồi trong vòng 7 năm. Nhưng nếu quá 10 năm không xuất hiện, nhiều khả năng bọn tội phạm đã phá hủy những bức tranh đắt giá để che giấu hành tung, hoặc đổi tranh lấy những vật phẩm cần thiết như súng hoặc ma túy, và nếu không được nữa thì bán cho những kẻ cần bản mẫu để làm tranh giả, theo chuyên gia Farren-Bradley.

Phi Yến

>> Ai Cập bỏ tù quan chức sau vụ trộm tranh Van Gogh
>> Bàn giao 3 tội phạm bị truy nã quốc tế
>> Tây Ban Nha bắt 80 nghi can liên quan đến băng nhóm tội phạm người Trung Quốc
>> Công khai thông tin tội phạm tình dục
>> Peru đau đầu với tội phạm tiền giả
>> Tội phạm "nguy hiểm nhất Trung Quốc" bị bắn chết
>> Thủ đoạn mới của tội phạm thẻ tín dụng
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 7: 20 năm giấu mình trên biển
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 8: Kẻ sát nhân đào hoa
>> Bắn bị thương tên tội phạm
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 5: Phút hối cải sau 25 năm trốn chạy
>> Bủa vây tội phạm ma túy
>> Camera dò tìm tội phạm
>> Mầm mống của tội phạm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.