Thanh niên trong vòng xoáy đô thị hóa - Kỳ 3: Để thích nghi với nhịp sống mới

28/09/2012 03:55 GMT+7

Chớp lấy cơ hội đô thị hóa, nhiều thanh niên ngoại thành đã đầu tư tạo dựng cơ nghiệp, việc làm cho bản thân.


Chủ xưởng in Nguyễn Vũ Tiến (phải) - Ảnh: T.H

Trồng hoa bằng công nghệ cao

Gần 6 năm trước, vùng chuyên trồng hoa xã Tây Tựu (H.Từ Liêm, Hà Nội) phải “xén” mất hàng chục hecta cho các dự án xây dựng khu đô thị, công trình dân sinh. Các dự án đa phần đều “ăn” vào đất nông nghiệp nên nếu thiếu đất canh tác, lao động tại địa phương đứng trước nguy cơ nhàn rỗi, thiếu việc làm.

Ông Nguyễn Văn Toan (đội 5, xã Tây Tựu) kể lại, tự dưng cầm trong tay vài chục triệu thậm chí hàng trăm triệu đồng, dân tình chi tiêu rất xởi lởi. Cũng có gia đình nhìn xa trông rộng, lấy tiền đầu tư thuê đất lâu dài ở các xã kế bên tiếp tục giữ nghề trồng hoa, tạo dựng nguồn việc làm cho thế hệ sau. Trên thực tế, bản đồ diện tích trồng hoa do người dân Tây Tựu làm chủ không còn bó hẹp trong xã nhà mà được phủ sóng ở xã Thượng Cát, Minh Khai (H.Từ Liêm), thậm chí lan rộng sang địa bàn H.Hoài Đức. Cũng theo ông Toan, thanh niên trong xã nếu không đỗ đạt vào các trường ĐH-CĐ thường theo nghề trồng hoa.

Ở Tây Tựu đã hình thành đội, nhóm thanh niên liên kết thuê đất tập trung san sẻ chi phí thuê nhân công bảo vệ cho các thửa ruộng thuê mướn trồng hoa. Nằm trong số bạn trẻ có trong tay vài sào đất trồng hoa bên các xã bạn, anh Phan Văn Quyết cho biết: “Tiền đền bù do cha mẹ quản lý và nếu không có số tiền này, nhiều bạn trẻ rất khó khăn tạo dựng cơ nghiệp”.

Có được khoản tiền do bố mẹ hỗ trợ, nhiều hộ gia đình thanh niên đã đi tiên phong trong sử dụng làm vốn tái đầu tư trồng hoa trên các vùng đất mới. Khởi đầu từ vài cá nhân, phong trào tìm thuê đất trồng hoa diễn ra rầm rộ, có thế nghề trồng hoa mới được gìn giữ và phát triển như hôm nay. “Tây Tựu đang nằm trong vùng quy hoạch trồng hoa bằng các dây chuyền công nghệ cao. Ngoài các giống hoa truyền thống, nhiều bạn trẻ đang bắt đầu thử nghiệm, đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị trồng hoa theo các quy trình công nghệ kỹ thuật, phát triển trồng các loại hoa cho hiệu quả kinh tế cao”, Quyết bộc bạch.

Cơ hội kinh doanh

Thanh niên trong vòng xoáy đô thị hóa - Kỳ 3: Để thích nghi với nhịp sống mới
Anh Dương Duy Mạnh thành công trong việc mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng - Ảnh: T.H

Nhiều bạn trẻ ở khu vực có dự án chuyển đổi đất nông nghiệp chủ động tìm cho mình lối đi riêng để tạo việc làm cho bản thân, thích nghi với nhịp sống mới. Trước khi làm ông chủ xưởng in với hàng chục lao động, anh Nguyễn Vũ Tiến (thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, H.Đông Anh, Hà Nội) từng là nhà nông trẻ thành thạo công việc ruộng đồng, mò cua bắt cá.

 

Trưởng ban Thanh niên nông thôn, Thành đoàn Hà Nội, anh Nguyễn Đình Trung, cho biết trong năm 2012 ngân sách thành phố sẽ giải ngân khoảng 16 tỉ đồng cho công tác tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên. Cá nhân và các mô hình kinh tế được vay vốn ưu đãi với hạn mức từ 20 - 300 triệu đồng, trong đó đặc biệt ưu tiên và giải ngân cho các các nhân, mô hình kinh tế tại khu vực chuyển đổi đất nông nghiệp. 

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Tiến xuất ngũ về địa phương đúng lúc gia đình mất gần hết diện tích đất nông nghiệp cho dự án mở đường, xây cầu qua Vĩnh Ngọc. Đam mê nghề in và thiết kế đồ họa, Tiến tự tìm hiểu và học kinh doanh dịch vụ. Gây dựng xưởng in từ tiền tiết kiệm, Tiến gặp nhiều khó khăn trong quay vòng đồng vốn. Đúng lúc “đói” vốn, số tiền 100 triệu đồng từ đền bù đất ruộng do bố mẹ hỗ trợ kịp thời đã giúp xưởng in phát triển. Kinh doanh dịch vụ in, thiết kế đồ họa còn là lĩnh vực mới tại xã Vĩnh Ngọc nên xưởng của Tiến chẳng lúc nào hết đơn đặt hàng. Ngoài hai vợ chồng, xưởng in còn giúp 5 lao động có việc làm ổn định, thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng, vào vụ Tết phải huy động thuê thêm từ 7 đến 10 lao động thời vụ. Không dừng lại ở xã nhà, Tiến đang chuẩn bị mặt bằng, nhà xưởng góp cổ phần đầu tư thêm cơ sở in ấn, thiết kế đồ họa bên xã láng giềng Vân Nội với số tiền đầu tư ngót 1 tỉ đồng.

Cũng nằm trong số hộ chuyển đổi đất nông nghiệp cho Dự án đô thị Ciputra (xã Xuân Đỉnh, H.Từ Liêm), anh Dương Duy Mạnh đã sử dụng toàn bộ số tiền đền bù ruộng đất, rủ thêm bạn bè mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng rất thành công.

Anh Mạnh chia sẻ, thời điểm Xuân Đỉnh nhận tiền đền bù của các dự án cũng có tình trạng thanh niên sa đà ăn tiêu hưởng thụ hơn lao động, dẫn đến sa ngã vào tệ nạn, chủ yếu vẫn là cờ bạc, lô đề. Nhìn ở góc độ tích cực, chuyển đổi đất nông nghiệp luôn tạo ra nhiều cơ hội tìm kiếm, khai thác việc làm; chuyển đổi nghề nghiệp từ môi trường làm nông nghiệp sang môi trường đô thị, công nghiệp. Thay vì chỉ chăm chăm vào ăn tiêu hưởng thụ, số tiền từ đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được xem như nguồn vốn cực kỳ đáng quý đầu tư cho các công việc phụ trợ, dịch vụ phục vụ nhịp sống đô thị và tự tạo việc làm cho bản thân mỗi bạn trẻ.

Tuy nhiên, những mô hình trên chỉ là “điểm” sáng lẻ loi ở ngoại thành, hầu hết thanh niên đều lúng túng chưa biết lựa chọn hướng đi cho tương lai. Anh Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên Hà Nội, cho rằng một khi vùng ven đã đô thị hóa, tâm lý thanh niên cũng thay đổi. Những nghề lao động chân tay như may, mộc, cơ khí… những ngành nghề không phù hợp, có cho tiền họ cũng không muốn đi. “Chúng tôi nhận ra một điều, phải đào tạo cái họ cần, chứ không phải “ép” họ học nghề mình có. Thực tế, những khóa học mở gần đây như hoạt náo viên, MC, thư ký văn phòng… đã có dấu hiệu tích cực. Thế nhưng, vẫn còn nhiều lớp học mở ra không có người tham gia. Mong rằng các địa phương quan tâm đến nhu cầu của thanh niên để tránh gây lãng phí”, anh Tuấn chia sẻ.

 Thu Hằng - Phan Hậu

>> Thanh niên trong vòng xoáy đô thị hóa
>> Thanh niên trong vòng xoáy đô thị hóa - Kỳ 2: Cơn bão “đỏ đen”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.